Các ngân hàng đang khai thác “mỏ bạc” thu nhập phi tín dụng như thế nào?
Mặc dù vẫn là “mỏ vàng” khi chiếm hơn 70% tổng thu nhập của các nhà băng, song thu nhập từ hoạt động tín dụng đang có tốc độ tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng trưởng của lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động khác. Theo đó, nhiều ngân hàng có kết quả lợi nhuận tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm không hoàn toàn đến từ nguồn thu nhập tín dụng, mà còn có sự giúp sức từ
Tín dụng vốn được xem là hoạt động sinh lời lớn nhất của ngân hàng với tỷ lệ 70% tổng tài sản, song tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 8.4%, khá thấp so với mục tiêu đề ra là 14% cho năm nay và cũng thấp hơn mức tăng 9.52% của cùng kỳ năm 2018.
Đứng trước bối cảnh này, nếu các ngân hàng chỉ “độc canh tín dụng” thì chẳng khác nào “mua dây buộc mình”. Thay vào đó, các ngân hàng đang dần gia tăng lợi nhuận nhờ vào đẩy mạnh hoạt động phi tín dụng, nhằm giảm rủi ro khi quá phụ thuộc vào tín dụng.
Theo VietstockFinance, thống kê từ 27 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 ghi nhận tổng thu nhập lãi đạt 462,115 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí lãi của 27 ngân hàng cũng có mức tăng bằng với thu nhập lãi, ở mức 18%, chiếm 277,498 tỷ đồng.
Toàn bộ 27 ngân hàng đều có thu nhập lãi tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, trong số đó có 15 ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi cao hơn tốc độ tăng trưởng chi phí lãi.
Nguồn: VietstockFinance
Qua đó, 27 ngân hàng đã tạo ra 184,820 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: VietstockFinance
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với mức tăng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 25,253 tỷ đồng, tăng 38%; lãi thuần từ hoạt động khác đạt 17,908 tỷ đồng, tăng 20% và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đạt 6,884 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: VietstockFinance
Kết thúc 9 tháng đầu năm, SeABank là nhà băng có lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng cao nhất, gấp 3 lần và đạt 286 tỷ đồng, trong khi thu nhập lãi thuần tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động khác của SeABank cũng cao gấp 2 lần cùng kỳ, góp phần giúp SeABank báo lãi trước thuế đạt 683 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.
Vị trí thứ hai thuộc về VIB với mức tăng trưởng lãi thuần từ dịch vụ cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1,276 tỷ đồng, tạo cách biệt lớn so với mức tăng trưởng từ hoạt động tín dụng với thu nhập lãi thuần tăng 28%, đạt 4,536 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có 3 ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng nhờ sự tăng trưởng ở hoạt động phi tín dụng. Chẳng hạn như trường hợp của NCB với thu nhập lãi thuần của NCB giảm 5% so với cùng kỳ, nhưng bù lại lãi thuần dịch vụ tăng 44% so với cùng kỳ góp phần đưa lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của NCB tăng 44%.
Tương tự NCB, VietABank có lãi thuần từ dịch vụ tăng 50% đã góp phần “gỡ gạc” cho thu nhập lãi thuần giảm 9%, giúp đưa lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tăng 10% so với cùng kỳ 2018.
Hay dù thu nhập lãi thuần giảm mạnh 56%, song, nhờ lãi thuần từ hoạt động khác cao gấp 6 lần cùng kỳ, đạt hơn 3,091 tỷ đồng đã giúp cho SCB báo lãi trước thuế đạt gần 257 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Tóm lại, nguyên nhân cải thiện mạnh lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng, có thể chỉ ra đầu tiên là “nồi cơm chính” thu nhập lãi thuần đã tăng mạnh ở đa số các ngân hàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn đang hướng đến đẩy mạnh lợi nhuận từ những nguồn thu nhập từ hoạt động phi tín dụng để bù đắp cho hoạt động tín dụng, cho thấy “sự lên ngôi” của thu nhập phi tín dụng trong việc cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng.
Không những thế, việc giảm lãi suất cho vay của một số ngân hàng trong những tháng cuối năm cũng là một phần động lực, thúc đẩy các ngân hàng giảm phụ thuộc vào tín dụng hơn nữa, và việc cải thiện lợi nhuận bằng thu nhập phi tín dụng là điều tất yếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận