Các ngân hàng đã cắt giảm 18.280 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp
Ngoài con số nêu trên, từ nay đến hết năm, các ngân hàng dự kiến cắt giảm thêm hàng chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid - 19...
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng đã tích cực chủ động đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 14/6/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng.
Tính đến ngày 14/6/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng. (Ngân hàng Nhà nước).
Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Luỹ kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/1/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng. Trong đó, số tiền lãi đã miễn, giảm thực tế là 13.679 tỷ đồng; số tiền sẽ miễn, giảm theo cam kết là 4.600 tỷ đồng.
Số tiền cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số luỹ kế đạt 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới 3.116.431 khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.
Gần đây, sau cuộc họp đồng thuận giảm lãi suất do Hiệp hội ngân hàng tổ chức ngày 12/7, Agribank quyết định giảm thêm 5.500 tỷ đồng lãi suất tiền vay đối với khách hàng hiện hữu. Tính chung cả năm 2021, tổn thất thu nhập từ lãi là 6.500 tỷ đồng, cộng với 3.500 tỷ đồng miễn phí dịch vụ, Agribank bốc hơi 10.000 tỷ đồng thu nhập.
Đồng thuận giảm lãi suất cho vay trong tháng 7, có ngân hàng giảm 2,5%
Tại Vietcombank, sau cuộc họp đồng thuận, Hội đồng quản trị và ban điều hành quyết định giảm 4.000 tỷ đồng; trong khi 6 tháng đầu năm đã giảm 2.100 tỷ đồng, cộng cả năm Vietcombank giảm 6.100 tỷ đồng thu nhập từ lãi.
Với BIDV, mức giảm nói trên trong cả năm lên tới 6.100 tỷ đồng, trong đó: nửa đầu năm giảm 2.500 tỷ đồng và sau đồng thuận hôm 12/7 ngân hàng quyết định giảm thêm 3.600 tỷ đồng, bao gồm 2.000 tỷ đồng với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng với dư nợ cho vay mới.
Còn tại VietinBank, mức giảm thu nhập cộng cả cả phí và lãi trong cả năm 2021 ước hơn 6.000 tỷ đồng; trong đó, nửa đầu năm là 4.000 tỷ đồng, nửa cuối năm 2.000 tỷ đồng.
Đấy mới chỉ là ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cũng bắt đầu hành động. Nhìn chung, các ngân hàng đều đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ 1 – 2 điểm phần trăm đối với khoản vay hiện hữu.
Theo Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) ước tính, nếu lập tức giảm 100 điểm cơ bản lãi suất cho vay đối với 100% khoản cho vay thì mức giảm thu nhập từ lãi (trong 5 tháng còn lại) sẽ dao động trong khoảng 5-10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm 2021 của các ngân hàng này.
Như vậy, dự kiến mức cắt giảm lợi nhuận của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, chứ không chỉ dừng ở con số 18.279 tỷ đồng như trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận