menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Vũ

Các khoản hỗ trợ vì Covid-19 năm nay hơn 10 tỷ USD

Tổng kinh phí hỗ trợ vì Covid-19 năm nay khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn là mức thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Thông tin này được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại hội thảo trao đổi về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, tổ chức hôm nay (1/10).

Theo ông, được sự ủng hộ của Quốc hội, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn vì dịch. Các chính sách tài khóa và tiền tệ được đưa ra quy mô khoảng 6,7 tỷ USD. Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua những kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD (gần 240.000 tỷ đồng), tương đương 2,84% GDP.

Tuy nhiên so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (11,4% GDP), Malaysia (5,3% GDP), mức hỗ trợ này theo Bộ trưởng Dũng vẫn là thấp.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cũng chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế. "Chúng ta vẫn thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế", Bộ trưởng Dũng đánh giá.

Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không "lỡ nhịp" khi bước vào "trạng thái bình thường mới".

Với lý do này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất 8 giải pháp cho chương trình phục hồi kinh tế hai năm tới, trong đó xác định, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế là nhóm giải pháp quan trọng, cấp bách phải thực hiện ngay.

"Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để thực hiện phục hồi kinh tế", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Giải pháp thứ hai là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xác định là nhóm giải pháp thứ ba.

Đi vào cụ thể từng nhóm ngành, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất việc phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Phát triển ngành du lịch phải hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Tiêu dùng nội địa được thúc đẩy thông qua các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí ôtô trong nước.

Để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, Bộ đề xuất thực hiện bằng các giải pháp về tín dụng; miễn, giảm thuế, phí; phát triển chuỗi cung ứng bền vững, đặc biệt là các chuỗi giá trị nông nghiệp và hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Ở khía cạnh đầu tư, giải pháp cho sự phục hồi là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động. Đồng thời, Bộ cũng nhấn mạnh vào vấn đề giải ngân đầu tư công khi nguồn vốn trong hai năm tới dự kiến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Về phần đô thị hóa và lao động, nhóm giải pháp được nêu ra là phát triển vùng, đô thị lớn, đồng thời phát triển thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường kết nối cung- cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững.

Về nguồn lực, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, dự kiến kinh phí sẽ lấy từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác, trong đó có các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ công đoàn.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về tài chính, tín dụng, đào tạo lao động, đầu tư phát triển dự kiến huy động từ các nguồn của doanh nghiệp, vốn hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ ngoại hối, hợp tác công - tư.

Thời gian thực hiện chương trình phục hồi kinh tế dự kiến đến năm 2023, với mục tiêu là tạo cơ sở phục hồi cho doanh nghiệp, nền kinh tế, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7% mỗi năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại