24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hoàng Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Các hãng hàng không cần hơn 30.000 tỷ đồng để vượt dịch

Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đã "cạn" sức chịu đựng

Đại dịch Covid- 19 đã làm cho ngành hàng không thế giới suy giảm ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử. Với ngành hàng không Việt Nam, những tác động này còn nghiêm trọng hơn nhiều do nội lực của các hãng hàng không và sự hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, dịch bệnh đặc biệt giãn cách xã hội làm hoạt động của các hãng hàng không bị đình trệ. Điều này vừa gây thiệt hại cho các hãng, vừa ảnh hưởng dây chuyền tới các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng liên quan đến ngành hàng không.

Số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu ngành hàng không giảm 80-90%. Hiện, các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều đã bị dừng. Đường bay quốc tế chắc chắn phải hàng năm nữa mới có thể được khôi phục trở lại và có thể phải mất nhiều năm mới đạt lại mức trước dịch.

Sự suy giảm mạnh mẽ diễn ra với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, với Vietnam Airlines, trong 2 tháng đầu năm, vốn là thời kỳ cao điểm vận chuyển hàng không do dịp Tết, song khách quốc tế đã giảm hoàn toàn, lượng hành khách vận chuyển nội địa giảm 16,1% so với 2019 và giảm 24,5% so với năm 2020.

Đối với VietJetAir, năm 2020, doanh thu của hãng bay này đã giảm 63%, khối lượng vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm trên 60% so với 2019; doanh thu trong thời kỳ cao điểm hè 2021 giảm tới 90% so với 2020. Hiện công ty đang phải gánh các khoản nợ phải trả trong thời gian phải dừng và giảm số chuyến bay do dãn cách xã hội, trong đó có những khoản phải trả do thanh toán các trái phiếu dài hạn với lãi suất cao.

Từ năm 2020 đến nay, Bamboo Airways cũng ước tính thiệt hại doanh thu gần 16.000 tỷ đồng (năm 2020 là 9000 tỷ đồng; 8 tháng năm 2021 là 6.500 tỷ đồng). Năm 2020, sản lượng khai thác của Pacific Airlines cũng chỉ đạt 38,8%, doanh thu chỉ đạt 30% so với năm 2019; 8 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 30,4%, doanh thu chỉ bằng 13% so với năm 2019.

Nhiều khoản chi phí cố định vẫn phải chi trả trong khi doanh thu giảm khiến cân đối dòng tiền của các hãng hàng không khó được đảm bảo, nhiều khoản nợ không thể được thanh toán đúng hạn. Mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay, nằm tại các sân bay từ 80-90%.

Mỗi tháng Vietjet phải trang trải 3 tỷ đồng tiền lương và 80 tỷ đồng tiền thuê máy bay, trả lãi vay ngân hàng, thanh toán cho các dịch vụ đầu vào cố định, duy tu, bảo dưỡng máy bay. Tổng các khoản nợ quá hạn và vay ngắn hạn của VietJet lên tới nhiều ngàn tỷ đồng.

Việc dịch bệnh kéo dài vượt mọi dự đoán, số đợt bùng phát dịch trong thời gian gần đây có xu hướng gần nhau hơn và thời gian ngừng hoạt động do các đợt bùng phát có xu hướng kéo dài, phức tạp hơn đã dần trở nên vượt quá khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp.

Cần hỗ trợ về vốn

Trước những khó khăn rất lớn của ngành hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa có kiến nghị gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nhu cầu cần hỗ trợ của ngân hàng cho các doanh nghiệp.

Theo đó, hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng). Để cân đối dòng tiền không bị phá vỡ, Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000 - 12.000 tỷ đồng, Vietjet đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng trên 10.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng Vietnam Airlines và khoản tín dụng ưu đãi lãi suất thời gian 3 - 4 năm.

Bamboo Airways cũng đề nghị được vay 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất và điều kiện ưu đãi.

Bên cạnh đó, Pacific Airlinnes cần vay 5.700 tỷ đồng để phục hồi sản xuất, trong đó cần ngay trong năm 2021 và đầu năm 2022 ít nhất là 2.000 tỷ đồng. Vietravel đề nghị cho vay 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi và thời gian trả nợ dài hạn. Tổng nhu cầu theo đề xuất của các doanh nghiệp là trên 30.000 tỷ đồng

Trên cơ sở báo cáo đề xuất của các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất 2 gói vay dành cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.

Thứ hai, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các hãng hàng không thuộc hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%), thời hạn: 3-4 năm.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, đây là những giải pháp vô cùng cấp bách nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt; giúp ngành hàng không sớm hồi phục, tăng tốc sau dịch. Sự hồi phục của ngành hàng không sẽ đóng góp cho nền kinh tế, hoàn trả ngân hàng và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả