Các hãng bia muốn lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Ngành bia đang chứng kiến doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh do quy định kiểm soát nồng độ cồn, các doanh nghiệp đề xuất lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) diễn ra chiều 15/3, đại diện hiệp hội này cho biết trong mấy năm trở lại đây, ngành bia, rượu, nước giải khát gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19 và từ các cuộc xung đột trên thế giới.
Chính sách quy định nồng độ cồn, siết chặt quản lý, kiểm soát nồng độ cồn cũng khiến việc tiêu dùng giảm mạnh, nhất là ở kênh nhà hàng, quán ăn. Theo cơ quan này, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn như hiện nay đã và đang tác động tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm Du An, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thời gian qua do tác động từ dịch Covid-19 và tình hình thế giới.
"Năm 2023 doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp lần lượt giảm 11% và 23%. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ, bởi giá đầu vào tăng 20-40% trong khi giá bán không thể tăng", ông nói.
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 2-3 năm, đồng thời chưa áp dụng phí tái chế từ năm nay. Bởi ông An cho rằng khi áp thuế, chi phí sản xuất bia sẽ tăng 40-50%, tổng chi phí theo sản lượng sẽ đội lên hàng trăm tỷ đồng khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức.
Đại diện các doanh nghiệp kiến nghị xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng Bộ phận đối ngoại Công ty Heineken Việt Nam cũng cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này chưa phù hợp. Quy định này sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề không chỉ với doanh nghiệp sản xuất mà còn với cả chuỗi cung ứng, người tiêu dùng.
"Về lâu dài, với sự phát triển và nâng cao nhận thức của cộng đồng, ngành bia cần được khuyến khích tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới, cải tiến chất lượng cao và lý tưởng nhất là có độ cồn thấp", ông Vương đề xuất.
Các chuyên gia cũng cho rằng giải pháp hiện nay là cần tiếp tục các chính sách giảm thuế, phí và các khoản phải nộp. Các chính sách dự kiến sửa đổi thời gian tới cũng cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng thời điểm...
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó chủ tịch VBA kiến nghị các cơ quan chức năng cân nhắc và đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. Các chính sách ban hành cần kèm theo giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để chính sách pháp luật có thể đi vào cuộc sống.
"Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi. Có như vậy mới tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển lại", ông kiến nghị.
Ông Hưng khẳng định ngành đồ uống và các doanh nghiệp luôn cam kết đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội; đóng góp ngân sách, bảo vệ môi trường, ổn định an sinh xã hội, công ăn việc làm cho người lao động.
Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu là 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), thuế với đồ uống có cồn có thể tăng để kiểm soát hành vi tiêu dùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận