menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Các dự án điện gió ở Việt Nam gặp rủi ro nếu không được nới thời hạn giá ưu đãi

Nếu không cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT, những dự án điện gió ở Việt Nam sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do dịch Covid-19 gây ra.

Theo Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), năng lượng điện gió ở Việt Nam đang trên đà tăng trưởng do các dự án đang gấp rút hoàn thành trước khi hết hạn hưởng giá ưu đãi (FIT) vào ngày 1/11/2021. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự chậm trễ đáng kể cho việc xây dựng dự án gió vì tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, hạn chế về khả năng di chuyển của người lao động và các vấn đề khác.

Do tác động của Covid-19, 4.000MW dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành thi công với mục tiêu vận hành thương mại (COD) trước 01/11/2021 có nguy cơ lỡ thời hạn FIT tháng 11/2021. Hậu quả là khoản đầu tư năng lượng sạch trị giá 6,7 tỷ USD cùng với gần 21.000 việc làm trong tương lai sẽ gặp rủi ro.

Vì vậy, theo GWEC, nếu không có biện pháp cứu trợ, bằng việc cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án điện gió sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương sẽ mất đi các khoản đầu tư và khoản thu ngân sách quan trọng, từ đó cản trở tiến độ hoàn thành các mục tiêu về năng lượng tái tạo được đặt ra trong Nghị quyết số 55/NQ-TW và xảy ra một chu kỳ “phá sản” khiến thị trường điện gió Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi.

Trên cơ sở đó, GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng như là một biện pháp cứu trợ Covid-19 cho ngành điện gió Việt Nam, do những trở ngại và đình trệ do đại dịch gây ra, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành kịp hạn chót, trước ngày 1/11/2021, để hưởng cơ chế ưu đãi giá FIT.

Theo GWEC, nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT, những dự án này sẽ không thể tiếp tục và sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Theo đánh giá của GWEC, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã trở thành thị trường đầu tư điện gió và năng lượng tái tạo hàng đầu Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Những mục tiêu năng lượng nhiều tham vọng được đề xuất trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã phản ánh cam kết của Chính phủ đối với mục tiêu giảm thải carbon trong hệ thống năng lượng và cải thiện sức cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, việc các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp và chính sách phù hợp và kịp thời để giữ gìn những thành quả đã đạt được là hết sức cần thiết.

Vì vậy, GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm 6 tháng, tới hết tháng 4/2022, để tạo điều kiện cho các dự án điện gió đã có sự chuẩn bị, đầu tư ở một mức độ nhất định, nhưng do những tác động khách quan của đại dịch Covid-19 không thể hoàn thành thi công một cách an toàn và đúng kế hoạch đã đặt ra.

Các dự án điện gió ở Việt Nam gặp rủi ro nếu không được nới thời hạn giá ưu đãi
Nhà máy Điện gió Ea Nam (Đắk Lắk) đang được Trungnam Group gấp rút thi công

GWEC ủng hộ áp dụng những tiêu chí rõ ràng để lựa chọn các dự án đủ điều kiện lùi thời hạn, thay vì việc gia hạn một cách vô điều kiện, biện pháp này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế về cứu trợ trong đại dịch cho ngành điện gió.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, mức giá FIT cho điện gió được áp dụng ở mức 8,5 Cent/kWh đối với tất cả các dự án đạt mốc ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Chính sách này đã đem lại định hướng phát triển rõ ràng cho thị trường điện gió trên bờ.

Tính tới hết tháng 8/2021, chính sách này đã khuyến khích khối lượng đầu tư khổng lồ với hơn 140 dự án điện gió ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị vận hành lưới điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, do những thách thức lớn gây ra bởi dịch Covid-19, phần lớn các dự án này phải đối mặt với sự chậm trễ bất khả kháng trong việc thi công.

Khảo sát của GWEC cho thấy hơn 70% các dự án đã gửi yêu cầu nối lưới trước ngày 3/8/2021 sẽ không thể kịp hạn chót COD. Hậu quả là những dự án điện gió này sẽ không được hưởng ưu đãi từ cơ chế giá FIT, do đó gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của nhà đầu tư và làm tăng nguy cơ dự án bị bỏ dở giữa chừng.

Sau khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam vào tháng 4/2021, những khó khăn mà dự án điện gió gặp phải ngày càng trở nên nghiêm trọng bao gồm chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ và việc cung cấp trang thiết bị quan trọng thường chậm tiến độ từ 6-8 tuần; tình trạng thiếu chuyến bay chở hàng đến Việt Nam và cơ sở vận tải địa phương chưa đủ khả năng vận chuyển thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng càng làm tình hình chậm trễ thêm kéo dài.

Mặt khác, thủ tục đưa chuyên gia quốc tế vào Việt Nam rất phức tạp và khó khăn cùng với những quy định cách ly khiến thời gian cần thiết để đưa chuyên gia tới Việt Nam tăng thêm từ 2 đến 3 tuần, chưa kể những quy định cách ly giữa các tỉnh và địa phương kéo dài từ 7 đến 21 ngày; việc áp dụng những quy định cách ly này đã khiến thời gian di chuyển của chuyên gia nước ngoài tới công trường dự án tăng hơn gấp đôi, từ 8 tuần lên đến 18 tuần...

Do đó, theo GWEC, quyết định lùi thời hạn áp dụng FIT sẽ không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ, mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai. Khi những dự án điện gió ngoài khơi thế hệ đầu tiên đang dần tiến tới mốc đóng tài chính dự án, các nhà đầu tư quốc tế cũng hồi hộp dõi theo các dự án điện gió trên bờ đang gặp rủi ro sẽ vượt qua những thách thức từ đại dịch như thế nào.

Trước đó, hồi tháng 8 vừa qua, nhiều địa phương như Sóc Trăng, Gia Lai, Trà Vinh cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị gia hạn giá ưu đãi cho các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước 1/11/2021 vì Covid-19. Theo đó, các địa phương đề nghị gia hạn thêm lần lượt đến hết năm 2022, quý I/2022 hoặc hết tháng 4/2022.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến tháng 8/2021 có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm đề nghị công nhận vận hành thương mại, với tổng công suất là 5.655,5MW.

Trong tháng 8/2021 đã có 3 nhà máy điện gió với mức công suất cụ thể đã được công nhận vận hành thương mại (COD) gồm: Hòa Bình 1 - giai đoạn 2 (công suất 15,2MW); Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận (21MW)và Nhà máy điện gió 7A (12,6MW).

Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 8/2021 đã có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963MW vào vận hành thương mại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại