Buồn của nhiều “ông lớn” bất động sản nghỉ dưỡng
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận kết quả kinh doanh kém khởi sắc.
Trong bố số liệu tài chính tài chính năm 2022 vừa công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây, Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường báo cáo lỗ gần 832 tỷ đồng trong năm 2022, nhiều hơn so với khoản lỗ hơn 701 tỷ đồng trong năm 2021. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày trong năm 2022, Vịnh Thiên Đường lỗ gần 2,3 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của công ty này ở mức âm gần 1.576 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, vốn chủ sở hữu cũng âm hơn 663 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu cuối năm 2022 là âm 3,67 lần. Năm 2021 tỷ lệ này cũng ở mức âm 8,6 lần. Như vậy, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 tương ứng là khoảng 5.783 tỷ đồng, tương đương mức cuối năm 2021.
Trong báo cáo, doanh nghiệp này có lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng và khai thác khu nghỉ dưỡng Alma tại tỉnh Khánh Hòa và cung cấp dịch vụ sổ hữu kỳ nghỉ. Doanh nghiệp này là đơn vị đầu tư và phát triển dự án Alma Resort Cam Ranh, có quy mô 30 ha tại Lô số D7A2, khu du lịch phía Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó, Công ty cổ phần Flamingo Holding Group - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nghỉ dưỡng Flamingo vừa công bố tình hình tài chính nửa đầu năm 2023.
Theo số liệu công bố trên HNX, trong nửa đầu năm 2023, Flamingo Holding Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 25 tỷ đồng, giảm tới 82,5% so với mức 143 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/6/2023 là 2.483 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu tăng nhẹ từ mức 1,91 lần giữa năm 2022 lên 1,99 lần ngày 30/6. Như vậy, nợ phải trả tại thời điểm giữa năm 2023 khoảng 4.941 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu từ mức hơn 861 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022 xuống còn gần 285 tỷ đồng trong kỳ này.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay, dù thoát lỗ nhưng lợi nhuận cũng chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng trong nửa năm 2023. Cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay đang bị kiểm soát vì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2023 là âm 710,42 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023.
Ninh Vân Bay vốn là chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng sang chảnh bậc nhất Việt Nam Six Senses Ninh Van Bay - một trong các khu nghỉ dưỡng siêu sang với những căn villa giá thuê tới hơn 100 triệu đồng/đêm.
Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất động sản không mấy lạc quan khi phân khúc này rơi vào trầm lắng suốt thời gian qua. Theo Bộ Xây dựng, tại phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, giá vẫn giảm do chi phí vốn ở mức cao. Ở nhiều địa phương, giá bán biệt thự, đất nền hầu hết giảm 2-5% so với quý đầu năm. Cá biệt có dự án liền kề shophouse được rao bán hạ 10-15% giá gốc.
Không chỉ với các bất động sản nghỉ dưỡng bán, nghiên cứu mới đây của Savills Hotels chỉ ra, việc chậm khôi phục nguồn cầu, tình trạng dư thừa nguồn cung, chủ yếu tại các điểm đến ven biển góp phần gia tăng thách thức cho hoạt động kinh doanh khách sạn.
Theo thống kê của Savills Hotels, kể từ năm 2016, trung bình có khoảng 15.000 phòng thuộc phân khúc trung – cao cấp gia nhập thị trường lưu trú mỗi năm. Theo đó, nguồn cung phòng đã gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng sáu năm.
Tác động cộng hưởng của yếu tố cung cầu khiến hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam chậm khôi phục so với các quốc gia trong khu vực. Tính đến 8 tháng đầu năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%. Tại mức công suất này, thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%.
Mặc dù ngành nghỉ dưỡng Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng, tuy nhiên không phải tất cả mô hình đều có thể hoạt động hiệu quả. Một số chủ đầu tư vội vàng gia nhập thị trường, mà chưa có sự đánh giá thấu đáo điều kiện thị trường địa phương, thậm chí cho rằng các mô hình kinh doanh khách sạn như nhau. Điều này khiến việc hoạch định, triển khai dự án không được thực hiện chỉn chu, hạn chế khả năng vận hành của dự án sau khi đi vào hoàn thiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận