Bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội thông qua luật dầu khí sửa đổi
Từ yêu cầu thực tiễn, các chuyên gia nhận định Luật Dầu khí cần phải được sửa đổi để phù hợp tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và tổng thể nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Kể từ thời điểm Luật Dầu khí được ra đời năm 1993 đến hết năm 2020, số lượng hợp đồng dầu khí đã được ký là 108 bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, trong đó 51 hợp đồng đang có hiệu lực (21 Hợp đồng trong giai đoạn khai thác dầu khí, 30 Hợp đồng trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò/phát triển mỏ dầu khí). Đã có 112 phát hiện dầu khí mới với trữ lượng dầu khí tại chỗ đã phát hiện của các bể trầm tích Đệ Tam của Việt Nam khoảng 1,5 tỷ m3 quy dầu, trong đó dầu và condensate chiếm 49% và khí chiếm khoảng 51%.
Tổng chi phí đã đầu tư để thực hiện các cam kết về thăm dò khai thác dầu khí trong các hợp đồng dầu khí từ năm 2000 đến hết năm 2020 ước tính khoảng hơn 51 tỷ USD, trong đó phần đóng góp của các nhà thầu nước ngoài khoảng hơn 36 tỷ USD, chiếm 73% tổng chi phí đã thực hiện, phía Việt Nam đã đóng góp khoảng 15 tỷ USD, chiếm 27%. Các nhà đầu tư đã thu về khoảng hơn 30 tỷ USD chi phí đã đầu tư.
Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí. Trong giai đoạn 2006-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước 18-25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh, nhiều thách thức ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt hoạt động đời sống, tuy nhiên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5-6%), 10-13% GDP cả nước.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tại Hội thảo một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí nhằm góp phần phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam ngày 19/5 tại Hà Nội, Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi vào năm 2000 và 2008, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết và đang có hiệu lực.
Dự án Luật tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách về bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định về điều tra cơ bản; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí; quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí. Ông Hiếu cũng nhấn mạnh tới việc cập nhật tình hình thực tiễn vào dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm phù hợp với bối cảnh chung.
Đồng quan điểm với ông Phan Đức Hiếu, thảo luận tại Hội thảo, Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, dự án Luật Dầu khí chưa thể hiện rõ những vấn đề mang tính thời đại, xu hướng mới như cục diện bản đồ năng lượng châu Á, nội dung có thể ảnh hưởng sâu rộng đến ngành dầu khí; về xu hướng thị trường có nhiều thay đổi; việc thay đổi ứng dụng công nghệ tiên tiến, cạnh tranh giá; những nguồn năng lượng mới như đá phiến, băng cháy...
Do vậy, xem xét sửa đổi Luật Dầu khí được cho là giải pháp tối ưu nhằm đồng bộ hóa các chính sách, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai dầu khí, duy trì môi trường hòa bình và ổn định trên biển để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, dự thảo luật dầu khí (sửa đổi) sẽ lần đầu tiên được trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp thứ 3, khóa XV ngày 23/5 tới đây được kỳ vọng sẽ là nền móng vững chắc để mở ra cánh cửa phù hợp nhất cho hành trình phát triển năng lượng quốc gia, qua đó hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận