24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Duy Công
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Buộc doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán vốn điều lệ để tránh tăng ảo'

Doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán về vốn điều lệ góp trong 10 năm trước khi chào bán chứng khoán lần đầu, để tránh tăng ảo như trường hợp Faros, theo đại biểu Quốc hội.

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật (Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia).

Tại sửa đổi Luật Chứng khoán, Chính phủ đề xuất bổ sung trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán về vốn điều lệ đã góp trong 10 năm tính tới thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu.

Thẩm tra nội dung này trước đó, một số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc không quy định việc phải bổ sung báo cáo đã kiểm toán về góp vốn điều lệ vào hồ sơ chào bán chứng khoán. Bởi lo ngại việc này sẽ phát sinh thời gian, chi phí và tâm lý e ngại cho doanh nghiệp hoặc bỏ sót hàng tốt trên thị trường chứng khoán.

Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, cho rằng việc siết lại hồ sơ chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng là cần thiết. Theo ông, việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là nội dung quan trọng để xác định vốn thực góp, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách dẫn chứng vụ Công ty Faros (thuộc Tập đoàn FLC) có vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm với 5 lần tăng, số vốn lên tới 4.300 tỷ đồng, gây hệ lụy lớn cho thị trường.

Hay trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí qua nhiều lần "phù phép" đã tăng vốn doanh nghiệp của mình lên 2.000 tỷ đồng. Cách làm của họ, theo ông Toàn, là bơm một số tiền nhất định vào các tài khoản, sau đó lại rút ra, bơm vào cho đến khi đạt được doanh số tổng bằng tổng số vốn điều lệ.

"Nếu trước đây chúng ta quy định, đã không xảy ra trường hợp tăng vốn ảo như Faros. Nói rằng việc kiểm toán báo cáo vốn điều lệ khiến doanh nghiệp chịu chi phí lớn là không đúng. Nó là yếu tố cần đảm bảo cho thị trường chứng khoán được minh bạch", ông Nguyễn Hữu Toàn nói.

'Buộc doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán vốn điều lệ để tránh tăng ảo'

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại phiên thảo luận, ngày 7/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông phân tích, số cổ phần chào bán lần đầu của doanh nghiệp sẽ được giao dịch trên thị trường thứ cấp. Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác là sự đánh tráo với toàn bộ nhà đầu tư ngay từ đợt mua lần đầu, đến những lần giao dịch tiếp theo", ông Toàn nói.

Về thời hạn, ông đề xuất Chính phủ xem xét rút ngắn xuống còn 5 năm, thay vì doanh nghiệp phải nộp báo cáo về vốn điều lệ đã góp trong 10 năm như tại dự thảo luật. Việc này nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo thị trường phát triển công bằng, minh bạch.

Cũng theo dự thảo luật, doanh nghiệp muốn chào bán chứng khoán ra công chúng phải đáp ứng quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm. Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn TP Hà Nội nói các quy định này là cần thiết nhưng cần rõ ràng để đảm bảo hiệu quả, nhất là việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Bà Mai đề nghị Chính phủ nghiên cứu các tiêu chuẩn, tiêu chí xếp hạng tín nhiệm tại các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư...) để khả thi.

Giải trình sau đó, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết thực tế khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhiều đơn vị kê khai vốn điều lệ lớn tới 10.000-20.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế không ít doanh nghiệp không có tiền thực trong tài khoản, không có địa chỉ trụ sở rõ ràng. Vì thế, khi sửa luật, Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo - tính siết lại quy định để tránh rủi ro cho thị trường chứng khoán.

Trước góp ý của đại biểu, ông Phớc nói Chính phủ sẽ tiếp thu, giao Bộ Tài chính sửa lại theo hướng doanh nghiệp chỉ phải nộp báo cáo đã kiểm toán về vốn điều lệ góp trong 5 năm, từ thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Trường hợp doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm thì tính từ thời điểm thành lập.

'Buộc doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán vốn điều lệ để tránh tăng ảo'

Bà Thái Thị An Chung, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận, sáng 7/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Góp ý khi sửa Luật Kiểm toán độc lập, bà Thái Thị An Chung, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Nghệ An đồng tình bổ sung quy định: Doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của Chính phủ.

"Luật hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng cũng không cần kiểm toán, gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua", bà Chung nói.

Theo phân loại của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp quy mô lớn được xác định theo các tiêu chí, như có tổng số lao động khoảng 200 người, tổng doanh thu hằng năm từ 300 tỷ đồng trở lên và tổng tài sản hơn 100 tỷ đồng.

Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, cho rằng theo tiêu chí này sẽ có khoảng 20.000 doanh nghiệp quy mô lớn, thuộc diện phải kiểm toán báo cáo tài chính như đề xuất của Chính phủ tại dự thảo luật. Như vậy số doanh nghiệp cần kiểm toán báo cáo tài chính là tương đối lớn.

"Cơ quan soạn thảo cần làm rõ mục đích việc mở rộng diện doanh nghiệp cần kiểm toán, tránh tốn kém, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của họ", bà Thơ đề nghị.

Thực tế, theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, quy định kiểm toán bắt buộc với doanh nghiệp quy mô lớn tại dự thảo luật không phải "cứ đơn vị có 200 lao động, tổng tài sản 100 tỷ đồng... là trong diện kiểm toán". Ông cho hay, Chính phủ sẽ quy định cụ thể doanh nghiệp lớn nào trong diện phải kiểm toán báo cáo tài chính, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Dự thảo luật lần này bổ sung xử lý vi phạm về kiểm toán độc lập. Theo đó, cá nhân phải chịu mức phạt tối đa 1 tỷ đồng, tổ chức, doanh nghiệp là 2 tỷ và thời hạn phạt 5 năm. Bà Thái Thị An Chung nói mức phạt như vậy cao hơn 20 lần so với quy định tại Luật Xử lý Vi phạm hành chính (cá nhân tối đa 50 triệu, doanh nghiệp là 100 triệu đồng). Các mức này tương đương với phạt cao nhất khi vi phạm về chứng khoán.

"Nâng phạt trong kiểm toán lên gần mức cao nhất ở lĩnh vực chứng khoán đã hợp lý chưa, nếu so sánh với tính chất, mức độ và hậu quả?", bà Chung đặt vấn đề.

Theo bà, vi phạm trong chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức tới hàng nghìn, thậm chí hàng triệu giao dịch, nhà đầu tư. Trong khi đó, vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán ảnh hưởng gián tiếp, có độ trễ và phạm vi hẹp hơn.

"Tôi đồng tình cần tăng mức và thời hiệu xử phạt để đảm bảo răn đe với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm. Tuy nhiên, tăng như thế nào thì cần phải cân nhắc", Phó đoàn Nghệ An nêu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả