Bước đi cần thiết để củng cố niềm tin thị trường
NHNN vừa ban hành Thông tư 52/2024/TT-NHNN quy định về việc NHTM có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định thay thế cho Thông tư số 06/2015/TT-NHNN và có hiệu lực từ ngày 15/1/2025.
Tăng tính minh bạch cho hoạt động ngân hàng
Thông tư 52 yêu cầu NHTM căn cứ quy định tại khoản 28, Điều 4 và Điều 55 của Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xác định danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ. Thời điểm chốt số liệu để xác định danh sách là đến hết ngày 30/6.
Thông tư 52 cũng nêu rõ, các NHTM, phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ, xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ phù hợp với phương án cơ cấu lại hoặc được phê duyệt của cấp có thẩm quyền của cổ đông và người có liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các TCTD 2024. Theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông cá nhân là 5% vốn điều lệ của một TCTD; đối với cổ đông tổ chức, tỷ lệ sở hữu tối đa là 10%; trong khi tổng tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người có liên quan không vượt quá 15%. Đồng thời, cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.
Như vậy, với các quy định mới từ Thông tư 52, NHNN đang yêu cầu các NHTM khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan nhằm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Việc này không chỉ giúp các NHTM hoạt động minh bạch hơn mà còn góp phần tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, Luật Các TCTD mới có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát. Đây cũng là những yêu cầu quan trọng nhất của Luật Các TCTD mới.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi cũng đánh giá, việc yêu cầu các NHTM rà soát, việc xác định danh sách cổ đông và những người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Luật Các TCTD, đồng thời xây dựng lộ trình tuân thủ giúp ngăn chặn tình trạng cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lạm dụng quyền lực, chi phối hoạt động ngân hàng vì lợi ích cá nhân, gây bất ổn hệ thống. Quy định này đảm bảo sự công bằng giữa các cổ đông, tránh việc quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ bị xâm phạm bởi nhóm cổ đông lớn. Bên cạnh đó, quy định các NHTM công khai danh sách cổ đông lớn và người có liên quan cũng giúp nâng cao tính minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình.
Tương tự, ông Lê Văn Tần - Chủ tịch HĐQT SeABank đánh giá, Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024 đã tác động lớn đến hoạt động của các TCTD, góp phần hoàn thiện quy định về hoạt động của ngân hàng theo hướng rõ ràng, minh bạch, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc; đồng thời, tạo cơ sở để TCTD đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thời gian qua, SeABank cũng xây dựng kế hoạch, phương án để đáp ứng các quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; bổ sung tỷ lệ trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ… theo đúng lộ trình, thời hạn quy định của Luật Các TCTD và các Thông tư hướng dẫn của NHNN.
Còn nhiều thách thức trong quá trình thực thi
Mặc dù các quy định của Thông tư 52 được xem là bước đi cần thiết để củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư, nhưng theo giới chuyên môn, quá trình thực thi sẽ gặp không ít thách thức.
CEO Nguyễn Quang Huy nhận thấy, việc xác định các cá nhân, tổ chức liên quan đến cổ đông lớn theo quy định pháp luật không đơn giản, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, ngân hàng và các cơ quan chức năng. Một số cổ đông lớn có thể sử dụng các công ty hoặc cá nhân trung gian để che giấu quan hệ sở hữu, gây khó khăn cho việc giám sát. Quá trình giảm tỷ lệ sở hữu có thể gây ra xung đột giữa các cổ đông lớn, ảnh hưởng đến sự ổn định trong quản trị ngân hàng…
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc kiểm tra nguồn gốc vốn góp là rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch. Nhưng trong thực tế, việc thực hiện điều này sẽ gặp nhiều khó khăn do tính minh bạch chung của xã hội Việt Nam còn thấp.
Ở góc độ ngân hàng, ông Lê Văn Tần chia sẻ, Luật Các TCTD 2024 mở rộng phạm vi người có liên quan của cá nhân và bổ sung yêu cầu cung cấp thông tin người có liên quan của tổ chức, cá nhân làm tăng thủ tục đối với các TCTD. Việc xác định người có liên quan của cá nhân, tổ chức trong nhiều trường hợp không đơn giản khi phạm vi người có liên quan mở rộng. Bên cạnh đó, một số khách hàng chưa nắm vững quy định của pháp luật nên không đồng ý chia sẻ thông tin, qua đó cũng ảnh hưởng tới trải nghiệm dịch vụ ngân hàng.
Từ những khó khăn này, ông Nguyễn Quang Huy đề xuất NHNN triển khai các biện pháp giám sát định kỳ để đảm bảo các NHTM thực hiện đúng lộ trình tái cấu trúc sở hữu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bao gồm việc hạn chế quyền biểu quyết hoặc áp dụng phạt hành chính đối với các cổ đông không tuân thủ. Song song với đó, cần phải truyền thông rõ ràng mục tiêu của Thông tư 52 để tạo sự đồng thuận từ cổ đông, nhà đầu tư và thị trường…
Nhấn mạnh chưa có bộ luật nào từ trước đến nay tốt như Luật Các TCTD 2024, đặc biệt là về sở hữu chéo, tuy nhiên theo PGS. Đào Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, bộ luật chỉ là quy tắc, con số. Điều quan trọng là vấn đề tuân thủ lại nằm trong bộ luật khác. Ông Hùng cho rằng, nếu chỉ có duy nhất bộ luật về ngân hàng thì chưa đủ, mà cần đồng bộ với các luật khác để có chế tài cho các hành vi vi phạm.
Những quy định Thông tư 52 không chỉ là một bước đi chiến lược nhằm kiểm soát sở hữu cổ phần, mà còn góp phần quan trọng vào việc tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Quy định này, nếu được thực thi hiệu quả, sẽ giảm thiểu rủi ro tập trung quyền lực, tăng cường tính minh bạch và tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư quốc tế.
“Trong dài hạn, Thông tư 52 không chỉ đảm bảo an toàn tài chính mà còn đặt nền tảng cho một hệ thống ngân hàng hiện đại, minh bạch, tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Huy kỳ vọng.
(theo Hà Thành - Thời báo Ngân hàng)
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường