BSR nỗ lực vượt chỉ tiêu SXKD, phấn đấu quý III/2023 chuyển sàn HoSE
Ngày 13/4/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2023.
Tham dự đại hội có ông Bùi Minh Tiến - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); ông Trần Xuân Ánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Công ty chứng khoán và đông đảo các cổ đông của BSR.
Về phía BSR có Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Hội, Thành viên Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương, các ông trong Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc và Trưởng các ban chức năng BSR.
2022 – một năm nhìn lại
Báo cáo tại Đại hội, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Bùi Ngọc Dương chia sẻ về các thuận lợi, khó khăn của năm 2022. Về thuận lợi, thị trường xăng dầu thế giới và Việt Nam phục hồi sau dịch, crack spread gia tăng, crack margin trung bình năm cao nhất kể từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành, dẫn đến lợi thế cho BSR.
Bên cạnh đó nguồn cung xăng dầu trong nước từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhập khẩu bị hạn chế; nhà máy vận hành ở công suất tối ưu, trung bình đạt 108%, có thời điểm lên tới 112%; sự quan tâm chỉ đạo từ cổ đông Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan; chuỗi liên kết từ nguyên liệu, vận tải, chế biến, phân phối, được củng cố ngày càng thuận lợi hơn.
Về khó khăn, thị trường dầu thô diễn biến phức tạp từ đầu quý 3 và cuối quý 4/2022. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động tỷ giá và lạm phát khiến chi phí sản xuất tăng lên. Việc mua dầu thô nhập khẩu có phụ phí cao, làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.
Chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm năm 2022 khá cao, có phần dị biệt, do đó tạo ra thách thức lớn với kế hoạch năm 2023 của Công ty.
Kết quả sản xuất kinh doanh của BSR trong năm 2022, với sản lượng sản xuất và xuất bán đạt hơn 7 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt 168,9 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN trên 19.040,7 tỷ đồng và LNST đạt 14.669,3 tỷ đồng, cao nhất từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đến nay.
Nhờ đó năng lực tài chính BSR đang ngày càng lớn mạnh sau khi đạt được kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2022. Giá trị tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn 25.025 tỷ đồng; giá trị nợ vay dài hạn bằng 0 do trong năm 2022, Công ty đã hoàn thành trả xong nợ vay dài hạn đầu tư nhà máy; dòng tiền hoạt động kinh doanh cả năm 2022 đạt 6.066 tỷ đồng.
Đánh giá về cơ hội 2023, TGĐ BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, trên đà tối ưu công suất vận hành, BSR đã có những giải pháp về công nghệ để khai thác tối đa công suất của nhà máy, qua đó là một trong những yếu tố nâng cao doanh thu lợi nhuận năm nay. Nếu như gặp khó khăn về dầu thô, BSR có giải pháp thay thế là nhiên liệu trung gian. Bên cạnh đó, BSR có thể tối ưu hoá thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy, có thể kéo dài thời hạn bảo dưỡng để tối ưu lợi nhuận trong năm 2023.
Về thị trường, chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm trung bình các tháng đầu năm 2023 vẫn còn là lợi thế, nhu cầu dầu thô còn tăng cao do bất ổn địa chính trị và cân bằng cung cầu dầu thô chưa được thiết lập. Về quản trị, đẩy mạnh quản trị biến động, ứng phó tốt với các thách thức như căng thẳng địa chính trị, giá dầu vận động khó dự báo…
Đối với thách thức, thị trường dầu thô còn phức tạp. Lạm phát, lãi suất còn ảnh hưởng lớn, tác động đến giá nguyên liệu đầu vào, có thể gây giảm lợi nhuận. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, đang cố gắng tháo gỡ. Thuế nhập khẩu xăng giảm, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng có thể gây khó khăn.
Tại đại hội, HĐQT trình Đại hội bầu hai Thành viên HĐQT là ông Hà Đổng và ông Hạng Anh Minh và một Thành viên BKS là ông Hoàng Ngọc Xuân. Nhiệm kỳ mới, số lượng thành viên HĐQT là 5 người, với 1 thành viên kiêm Tổng Giám đốc; BKS gồm 3 thành viên; nhiệm kỳ của các thành viên là 5 năm.
Năm 2023, BSR đặt kế hoạch doanh thu đạt 95.370 tỷ đồng; nộp NSNN đạt 9.812 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 1.721 tỷ đồng và sản lượng hơn 5.6 triệu tấn thành phẩm, trong đó cao nhất là dầu diesel chiếm hơn 2,36 triệu tấn, tiếp theo là xăng RON 95 đạt 1,38 triệu tấn, RON 91/92 gần 789 nghìn tấn. Việc BSR đặt mục tiêu giảm lãi là điều đã được dự báo trước, nhất là sau năm 2022 đạt kết quả kỷ lục.
BSR cũng có đánh giá về những khó khăn sẽ gặp phải trong năm 2023, cụ thể: Thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% thuế suất, trong khi thuế TNDN tăng từ 5% lên 10%, khiến lợi nhuận của BSR có thể giảm; Lạm phát các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức rất cao và Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài khi nhiều sản phẩm trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Điều này kéo theo chi phí hoạt động trong năm dự kiến tăng; Cạnh tranh trong quá trình mua dầu thô trong nước có thể khiến BSR không mua đủ dầu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất; Ảnh hưởng từ Nghị định 95 về công thức giá (gồm giá cơ sở và phụ phí Premium) có thể gây tác động bất lợi; Cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu với các nước trong Hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, sản phẩm polypropylen (PP) dự kiến gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy trong nước như Hyosung Vina, NSRP, LSP,... và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc; Biến động mạnh và nhanh, khó dự báo của thị trường dầu mỏ; Khó khăn khi triển khai dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.
Trước bối cảnh đó, để duy trì lợi nhuận năm 2023, BSR tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là tập trung vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục ở công suất, cơ cấu sản phẩm tối ưu phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường; nâng cao hiệu quả công tác đánh giá thông tin dự báo giá dầu thô và sản phẩm, chi phí vận chuyển/bảo hiểm, thông tin cung-cầu của thị trường trong nước và ngoài nước, tình hình dịch bệnh, rủi ro địa chính trị tại khu vực và quốc tế,...
Cùng với đó, BSR xây dựng, cập nhật các kịch bản, giải pháp điều hành SXKD phù hợp, linh hoạt và kịp thời nhằm tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu rủi ro đến hoạt động SXKD. Nghiên cứu, xem xét cơ hội hợp tác với các đối tác có năng lực để có giải pháp phù hợp nhằm làm tốt và phát triển thị trường sản phẩm hóa dầu. Tính toán tăng khối lượng nhập các sản phẩm trung gian để gia tăng công suất các phân xưởng công nghệ của NMLD Dung Quất, tạo điều kiện gia tăng sản lượng cũng như hiệu quả sản xuất.
Quý III/2023, phấn đấu chuyển sàn niêm yết tại HoSE, tối ưu bảo dưỡng tổng thể
Cũng tại đại hội, HĐQT BSR trình thông qua mức chi cổ tức 7% cho năm 2022, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng. HĐQT trình thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu BSR lên HoSE. Hiện tại, cổ phiếu BSR đang được giao dịch trên UPCoM, với tỷ lệ cổ phần đăng ký giao dịch trên tổng cổ phần phát hành là 7.87%, tương đương 243,8 triệu cổ phần. Toàn bộ cổ phần đã phát hành của BSR là hơn 3,1 tỷ cổ phần, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm 92,12%, tương đương hơn 2,85 tỷ cổ phần.
Hiện nay, BSR đánh giá cổ phiếu cơ bản đã đáp ứng điều kiện để đăng ký niêm yết trên HOSE. Chỉ hạng mục “Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; không có lỗ lũy kế trên BCTC kiểm toán năm gần nhất hoặc BCTC soát xét bán niên trong trường hợp đăng ký sau ngày kết thúc kỳ lập BCTC bán niên”, Công ty đang phối hợp với các cấp có thẩm quyền để đánh giá, làm rõ khả năng đáp ứng.
Tại đại hội, cổ đông đã đặt các câu hỏi tới ban lãnh đạo Công ty, cụ thể: Lợi nhuận quý I/2023, dự báo crack spread cả năm 2023; Dự kiến BSR sẽ tối ưu bảo dưỡng tổng thể (TA) lần 5, dự báo lợi nhuận năm 2023? Kế hoạch chia cổ tức 2023 và các năm tiếp theo? Tiến độ triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất? Kế hoạch chuyển sàn HoSE? Trích lập dự phòng cho hàng tồn kho?
Trả lời các câu hỏi, Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương cho biết: Crack margin quý đầu năm 2023 vẫn duy trì cao, tuy nhiên Crack margin các quý tiếp theo là điều khó dự báo chính xác. Lợi nhuận quý I/2023 của BSR đạt kết quả khả quan.
Theo các tổ chức dự báo uy tín trên thế giới là Platts, Wood Mackenzie, crack spread các tháng còn lại năm 2023 vẫn còn duy trì ở mức khá cao. BSR thường xuyên xây dựng các kịch bản SXKD và điều chỉnh kịp thời khi thị trường có biến động mạnh. Trong trường hợp giá dầu có sự điều chỉnh giảm trở lại, nhưng nếu crack spread vẫn duy trì ở mức cao như dự báo thì Công ty có thể chủ động trong công tác kinh doanh.
Về Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 (TA5), BSR đã tối ưu hóa công tác bảo dưỡng tổng thể và dự kiến sẽ thực hiện TA5 vào đầu năm 2024. Vì vậy, năm nay, BSR tận dụng cơ hội tốt của thị trường sẽ tối đa sản xuất sản phẩm và tối ưu doanh thu, lợi nhuận. Tối ưu TA5 sẽ giúp BSR đảm bảm an ninh năng lượng cho đất nước, tránh bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thiếu xăng dầu cục bộ. BSR sẽ cập nhật lại Kế hoạch SXKD năm 2023 và sẽ báo cáo cổ đông vào thời gian tới.
BSR đang tập trung tối đa nguồn lực để có các giải pháp triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. BSR cần nhu cầu về vốn lớn cho Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất mà Công ty dự kiến phương án thu xếp vốn có thể phải thay đổi từ 40% vốn chủ sở hữu, 60% nguồn vốn vay thành 60% vốn chủ sở hữu, 40% nguồn vốn vay để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Sau khi hoàn thành dự án, BSR có thể mở rộng thêm rổ dầu và dự trữ nguyên liệu cung cấp cho NMLD Dung Quất. Đồng thời, mở rộng rổ dầu và nâng dự trữ sẽ nâng cao sức cạnh tranh của Công ty.
Về công tác chuyển đổi số, năm 2022, toàn bộ hoạt động điều hành Công ty đã chuyển từ hoạt động trực tiếp sang ứng dụng các công cụ chuyển đổi số. Phần mềm quản trị ERP của BSR đã được ứng dụng vào công việc hàng ngày.
Về trích lập dự phòng hàng tồn kho, Kế toán trưởng BSR Bạch Đức Long cho biết: Phương pháp tính giá hàng tồn kho của BSR là giá bình quân gia quyền. Về việc trích lập dự phòng hàng tồn kho của BSR thực hiện theo chuẩn mực kế toán, tức là trích lập theo giá trị thuần.
Phát biểu tại Đại hội, Đại diện cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Petrovietnam chúc mừng BSR có một năm 2022 SXKD thành công. BSR có “nội lực” rất lớn, chính nhờ nội lực này, Ban lãnh đạo và tập thể người lao động BSR đã đạt các kết quả SXKD, đóng góp vào thành công chung của Petrovietnam. BSR nỗ lực xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, tích cực tham gia công tác chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. BSR được đánh giá là 1 trong những doanh nghiệp trong Petrovietnam có kết quả đổi mới sáng tạo tốt: NMLD Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định ở công suất cao, tối ưu công tác bảo dưỡng tổng thể lần 5.
Bên cạnh đó, BSR có các chỉ số tài chính lành mạnh và năng lực tài chính đang ngày càng lớn mạnh sau khi đạt được kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2022.
Năm 2023, Petrovietnam mong muốn và kỳ vọng BSR: Tập trung công tác tối ưu vận hành NMLD Dung Quất; tối ưu công tác bảo dưỡng tổng thể; đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu để tận dụng nguồn nguyên liệu rẻ, chất lượng; Tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường; Tiếp tục làm việc để đưa cổ phiếu BSR lên sàn HoSE; Hoàn thiện chiến lược phát triển BSR để thích ứng xu hướng chuyển dịch năng lượng; Đẩy mạnh dự án NCMR NMLD Dung Quất.
“Với trách nhiệm là cổ đông lớn, Petrovietnam sẽ tiếp tục sát sao trong chỉ đạo, giúp đỡ BSR trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh trong lĩnh vực lọc hóa dầu”- ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Petrovietnam nhấn mạnh.
Đại hội bầu hai Thành viên HĐQT là ông Hà Đổng và ông Hạng Anh Minh và một Thành viên Ban Kiểm soát là ông Hoàng Ngọc Xuân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận