BRICS ra lộ trình "phi USD hóa" mạnh mẽ
Nếu Ả Rập Saudi tham gia, BRICS sẽ kiểm soát 42% thị trường dầu khí toàn cầu và điều đó có thể làm đảo lộn kịch bản về cách thực hiện các giao dịch dầu mỏ bằng USD.
BRICS vẫn quyết tâm thực hiện chiến lược phi USD hóa với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Nhóm các nền kinh tế mới nổi đã bổ sung một số thành viên mới vào đầu năm nay như UAE, Ai Cập, Iran và Ethiopia.
Nhóm cũng đã gửi lời mời tới Ả Rập Saudi, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Nếu Ả Rập Saudi tham gia, BRICS sẽ kiểm soát 42% thị trường dầu khí toàn cầu. Điều đó có thể làm đảo lộn kịch bản về cách thực hiện các giao dịch dầu mỏ, khiến việc sử dụng đồng nội tệ thay vì đồng USD trở nên dễ dàng hơn, theo chuyên trang tiền tệ Crytopolitan.
“Nếu các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông ngừng sử dụng USD thì đó sẽ là cái kết của đồng tiền này,” Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định.
Theo bình luận viên Jai Hamid của Crytopolitan, BRICS muốn đánh vào điểm yếu của đồng USD: thị trường dầu mỏ. Giá trị của đồng bạc xanh phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng. Nếu nhu cầu giảm thì giá đồng USD cũng sẽ lao dốc. BRICS đang kêu gọi các nhà sản xuất dầu loại bỏ đồng USD và chiến lược này đang bắt đầu có kết quả.
Cụ thể, tỷ trọng dự trữ toàn cầu của đồng USD đang giảm với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với mức trung bình trong 20 năm qua. Các nhà phân tích khẳng định, lệnh trừng phạt của Mỹ, đặc biệt là những lệnh trừng phạt gắn liền với các xung đột địa chính trị như chiến sự tại Ukraine là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Các quốc gia đang xem xét lựa chọn thay thế đồng USD, dẫn đến sự gia tăng của các hệ thống thanh toán mới như SPFS của Nga và CIPS của Trung Quốc. Tính đến tháng 7/2024, gần 70 quốc gia đã bắt đầu tiến trình phi USD hóa bằng cách này hay cách khác.
Theo đó, các quốc gia đang tìm đến những giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương và các phương thức thanh toán độc lập khác. BRICS thậm chí còn đề cập đến việc tạo ra một loại tiền tệ chung mới được hỗ trợ bởi tài sản thực chứ không chỉ vàng, ngay cả lựa chọn tiền điện tử.
Theo phân tích của Goldman Sachs, điều này có thể khiến đồng USD bị cạnh tranh nghiêm trọng. Các quốc gia đã triển khai các loại tiền kỹ thuật số và mạng thanh toán riêng nhằm vượt qua đồng USD
Ví dụ, Nga hiện có hợp đồng dầu thô tương lai được định giá bằng đồng rúp, trong khi Iran đang sử dụng các phương thức thanh toán thay thế như trao đổi hàng hóa và giao dịch dầu lấy vàng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc phi USD hóa, với tuyên bố thúc đẩy một thế giới đa cực.
Điều này phù hợp với mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc là quảng bá đồng Nhân dân tệ như một loại tiền tệ thương mại toàn cầu.
Nga hiện đang tập trung tăng cường quan hệ với các nước, đặc biệt là ở châu Á và Trung Đông, để thúc đẩy thương mại bằng đồng nội tệ. Tuy nhiên, khả năng ông Donald Trump trở lại vị trí tổng thống có thể làm xoay chuyển tình hình.
Mối quan hệ thân thiết của ông Trump với các nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự phi USD hóa.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã dẫn đến việc Mỹ rút khỏi các hiệp định quốc tế và áp đặt thuế quan, điều này có thể khiến Mỹ tiếp tục bị cô lập trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.
Nếu ông Trump thúc đẩy các chính sách theo chủ nghĩa biệt lập hơn, có thể khuyến khích các quốc gia khác từ bỏ USD với tốc độ lớn hơn.
Mặt khác, sự hợp tác với các nhà lãnh đạo của ông Trump cũng có thể dẫn đến mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa Mỹ với Nga và Triều Tiên. Liệu điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ xem xét thay đổi mối quan hệ kinh tế với Nga và Trung Quốc hay không vẫn còn phải chờ xem.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận