Bóng ma giảm phát đe dọa kinh tế Trung Quốc
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 0.1% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Nếu so với tháng trước, giá cả đã giảm 0.1%.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.4% so với cùng kỳ và gần như không đổi so với tháng trước.
Dữ liệu CPI tháng 4/2023 được đưa ra sau khi lạm phát ở Trung Quốc hạ nhiệt xuống mức 0.7% trong tháng 3. Trước đó, lạm phát Trung Quốc tạo đỉnh ở mức 2.8% trong tháng 9/2022.
Lạm phát ở Trung Quốc được dẫn dắt bởi đà tăng của thực phẩm và dịch vụ, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Trong đó, giá thực phẩm tăng 0.4% và dịch vụ tăng 1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá hàng hóa tiêu dùng lại giảm 0.4%.
Tỷ giá Nhân dân tệ tại Trung Quốc giảm 0.04% và dao động ở mức 6.9428 đổi 1 USD sau khi thông tin trên được công bố.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc – vốn theo dõi giá từ nhà sản xuất – giảm 3.6%, giảm mạnh hơn dự báo 3.2% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Trái ngược với thế giới phương Tây
Đây là điều hoàn toàn trái ngược với dữ liệu lạm phát từ Mỹ. Đêm qua, chỉ số CPI Mỹ tháng 4/2023 tăng 4.9% so với cùng kỳ, đánh dấu tháng hạ nhiệt thứ 10 liên tiếp trong bối cảnh Fed liên tục nâng lãi suất.
Lạm phát hạ nhiệt tại Trung Quốc sau khi nước này tái mở cửa kinh tế. Điều này đặt ra nghi vấn liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có bước vào thời kỳ giảm phát, Helen Qiao, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại BofA, cho biết trong báo cáo ngày 10/05.
“Các NHTW lớn trên thế giới cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát ‘con quái vật’ lạm phát. Nếu xếp hạng về khả năng kiểm soát lạm phát, có lẽ NHTW Trung Quốc sẽ xếp thứ hạng”, bà viết.
Bà Qiao nói thêm Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát CPI ở mức trung bình 1.8%, gần với mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Hiện CPI lõi của Trung Quốc đã thấp hơn nhiều so với mức của Nhật Bản, các chuyên gia kinh tế tại BofA lưu ý.
Mức lạm phát thấp của Trung Quốc có lẽ đến từ việc thiếu nhu cầu. “Các hộ gia đình – dù vẫn chi tiêu mạnh cho du lịch trong dịp lễ gần đây – vẫn tỏ ra cẩn trọng với chi tiêu cho hàng hóa, nhất là các mặt hàng giá trị lớn”, Qiao cho biết. “Thị trường lao động yếu cùng với đà hồi phục chậm chạp của bất động sản tiếp tục đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng”.
Trung Quốc đã giảm phát hay chưa?
Giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Trung Quốc đang ngừng tăng hoặc giảm xuống bất chấp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế, cũng như bất chấp việc nước này đã gỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch COVID vào cuối năm ngoái.
Những bất ổn của nền kinh tế khiến các hộ gia đình nước này tiếp tục cất giữ tiền vào các sổ tiết kiệm thay vì chi tiêu. Còn các doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý thận trọng khi thực hiện các khoản đầu tư mới. Tất cả những điều này làm dấy lên nỗi lo về vòng xoáy giá cả - tiền lương (hiện tượng tăng giá do mức lương tăng lên và ngược lại) và khiến nền kinh tế càng khó phục hồi.
“Chúng tôi cho rằng kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình giảm phát”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc đại lục tại ANZ Research, nhận định vào tuần trước, ngay sau khi nước này công bố số liệu tăng trưởng quý 1.
Theo ông Yeung, dù nền kinh tế tăng trưởng 4.5% trong quý đầu năm, con số này chủ yếu phản ánh tác động từ việc nhu cầu tiêu dùng được giải tỏa sau 3 năm kìm nén vì các biện pháp phòng dịch. Nếu loại bỏ yếu tố đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ là khoảng 2.6%.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thứ hai thế giới đang “ngập” trong tiền. Cung tiền M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng) đã tăng kỷ lục 5.600 tỷ USD trong 15 tháng qua. Trong khi đó, PBOC đang khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn bằng cách tăng thanh khoản thông qua nhiều công cụ chính sách như nghiệp vụ thị trường mở và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc gần như không phản ứng trước những chính sách này. Thay vì tiêu tiền, họ lại tích trữ tiền mặt ở mức kỷ lục. Theo các nhà phân tích, phần lớn các khoản vay mới của hệ thống ngân hàng thời gian qua tới tay chính quyền các địa phương để trả nợ.
Sự kết hợp bất thường giữa xu hướng giảm giá cả hàng hóa và cung tiền nhiều chưa từng thấy khiến nhiều người cho rằng quá trình giảm phát tại Trung Quốc đã bắt đầu. Quá trình này được định nghĩa là khi giá cả hàng hóa và dịch vụ nhìn chung giảm trên diện rộng và bền vững trong một khoảng thời gian.
Đây là một hiện tượng tiêu cực đối với nền kinh tế, bởi vì trong môi trường như vậy, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể ngừng chi tiêu với kỳ vọng giá cả sẽ giảm hơn nữa. Điều này càng làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế. Đây chính là vấn đề khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào cảnh trì trệ trong hai thập kỷ và phải tới gần đây các nhà chức trách nước này mới có thể đảo ngược xu hướng.
“Nếu phải mô tả tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc, thì đó sẽ là ‘giảm phát đã bắt đầu’ và nền kinh tế có thể đã rơi vào vùng suy thoái”, ông Liu Yuhui, giáo sư Học viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), nói trong một bài phát biểu gần đây. “’Nhịp đập’ của nền kinh tế vẫn còn yếu do giá bất động sản và tài sản tài chính vẫn chưa tăng lên”.
Theo ông Liu, các hộ gia đình Trung Quốc vẫn đang nợ chồng chất và không có khả năng hoặc không sẵn sàng chi tiêu. Trong khi đó, chính quyền các địa phương - với tình hình tài chính suy kiệt do khủng hoảng bất động sản và đại dịch - cũng đang hành động như những “xác sống” do những khoản nợ.
“Do vấn đề về tình hình tài chính, các đối tượng của nền kinh tế đều không sẵn sàng dùng tín dụng”, ông Liu nói. “Trung Quốc hiện tại giống như Mỹ của 15 năm trước và giống như Nhật Bản của 30 năm trước”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận