Bóng lăn, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm?
Giá trị giao dịch chứng khoán trong những phiên gần đây có sự sụt giảm, trùng với thời điểm diễn ra các sự kiện bóng đá lớn.
Tại nhiều thị trường phát triển, trong thời gian diễn ra các kỳ bóng đá lớn, chứng khoán thường có diễn biến kém khả quan. Ở Việt Nam cũng vậy, 15 năm qua, thị trường có 4 lần giảm điểm trong tổng số 7 mùa World Cup và UEFA Euro, mức giảm mạnh nhất là năm 2006, VN-Index mất gần 8% giá trị.
Có một điều thú vị là thị trường chứng khoán đa số giảm điểm trong các mùa World Cup thì tại các mùa UEFA Euro gần đây, thị trường có diễn biến tích cực hơn, tăng giảm đan xen: mùa giải 2008, VN-Index tăng 3,56%; mùa giải 2012 giảm 2,43%; mùa giải 2016 tăng hơn 5%.
Mùa UEFA Euro năm 2020 bị trì hoãn vì dịch Covid-19 nên khai mạc sáng 12/6/2021 (giờ Việt Nam), VN-Index từ đó đến cuối tuần qua (18/6) tăng từ 1.323,6 điểm lên 1.377,8 điểm, tương đương tăng 4,1%. Mặc dù chỉ số lập đỉnh mới, nhưng thanh khoản giảm so với trước đó.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agirbank (AGR) cho rằng, các sự kiện bóng đá lớn có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, nhưng việc “đổ lỗi” thanh khoản gần đây giảm do bóng đá là không thực sự hợp lý, vì có các yếu tố khác tác động như nghẽn lệnh, nhà đầu tư không được sửa/hủy lệnh.
Đặc biệt, VN-Index sau khi lập đỉnh mới tại 1.374 ngày 4/6/2021 đã có 2 phiên điều chỉnh mạnh do động thái chốt lời tại các nhóm cổ phiếu tăng nóng.
Thông thường, sau khi chỉ số tăng cao sẽ cần một thời gian để tìm lại điểm cân bằng và thanh khoản thường giảm trong quãng thời gian đó.
Đó là chưa kể giá trị cổ phiếu phát hành thêm (không bao gồm chia cổ tức) từ đầu năm 2021 đến nay đạt khoảng 5 tỷ USD. Lượng cung cổ phiếu này chủ yếu sẽ về tài khoản trong quý III tới, sẽ dần tạo áp lực lên thị trường.
Giai đoạn 2009 - 2020, có 3 năm thị trường tăng điểm trong tháng 6, còn lại đều giảm hoặc đi ngang.
Theo ông Khoa, thị trường chứng khoán Việt Nam có lịch sự hoạt động ngắn so với nhiều nước nên số kỳ UEFA Euro hoặc World Cup chưa đủ lớn để rút ra ý nghĩa thống kê về mối tương quan. Đối với thị trường Mỹ, thống kê của AGR từ năm 1970 tới nay cho thấy, trong tháng 6 và tháng 7 của các năm diễn ra sự kiện bóng đá, chỉ số S&P 500 giảm trung bình 0,12%/tháng, nhưng tính cả năm thì trung bình tăng 0,47%/tháng.
Nhìn chung, các sự kiện bóng đá và chứng khoán có mối quan hệ trái chiều, nhưng hệ số tương quan không lớn, tức sự kiện bóng đá có tác động nhẹ.
Anh Vũ Đức, một nhà đầu tư tại Hà Nội nhìn nhận, bóng đá có ảnh hưởng tới cảm xúc và sức khỏe của nhà đầu tư, bởi các giải bóng đá lớn của thế giới thường diễn ra vào ban đêm. Các nhà đầu tư thức đêm và dồn tâm trí vào bóng đá sẽ ảnh hưởng tới thời gian, mức độ tìm kiếm cơ hội đầu tư và tần suất giao dịch. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là một thị trường đa biến, chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, các mùa bóng chỉ là một trong số đó.
Giải Bóng đá vô địch thế giới và Bóng đá vô địch châu Âu thường bắt đầu từ tháng 6, giai đoạn thị trường chứng khoán tích lũy, chờ đón kết quả kinh doanh quý II.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam thống kê, giai đoạn 2009 - 2020 có 3 năm thị trường tăng điểm trong tháng 6, còn lại đều giảm hoặc đi ngang.
Thị trường năm 2021 có điểm khác biệt là tăng trưởng rất mạnh, VN-Index vượt đỉnh lịch sử vào đầu tháng 6. Nếu theo “quy luật” của những đợt thị trường tăng điểm mạnh là sẽ điều chỉnh và tích lũy trong khoảng thời gian ít nhất 1 tháng trước khi thiết lập xu thế mới, thì nhiều khả năng thị trường trong hai tuần cuối tháng 6 năm nay sẽ chịu áp lực giảm, hoặc đi ngang tích lũy.
Liên quan đến bóng đá, theo một nghiên cứu được công bố gần đây, năng suất lao động tại không ít quốc gia giảm sút trong thời gian diễn ra World Cup và UEFA Euro, bởi người lao động thường lén xem bóng đá trong khi đang làm việc. Thậm chí, kỳ World Cup 2014 khiến kinh tế nước Anh ước tính thiệt hại 4 tỷ Bảng, tương đương 5 tỷ USD, vì năng suất lao động giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận