‘Bông hồng vàng’ Phú Yên: Đi lên từ thương mại, sa cơ vì bất động sản
Cổ phiếu doanh nghiệp của nữ đại gia bất động sản Phú Yên vừa bị đình chỉ giao dịch. Giá cổ phiếu chỉ còn 300 đồng/cp sau chuỗi năm tháng “Bông hồng vàng” Thuận Thảo thua lỗ, bị truy nợ, bán rẻ tài sản cũng như không có hóa đơn hoạt động.
Ngày 15/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức đưa cổ phiếu GTT của CTCP Thuận Thảo do nữ đại gia Võ Thị Thanh làm Chủ tịch vào diện đình chỉ giao dịch trên Upcom do chưa công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong nhiều năm liên tiếp. Đến nay, GTT vẫn chưa công bố và không có biện pháp khắc phục.
Trong nhiều năm qua, cổ phiếu GTT có rất ít giao dịch và giá thường xuyên ở mức “trà đá”. Thậm chí, trong hơn năm qua, cổ phiếu này dưới 1.000 đồng/cp. Trước khi bị đình chỉ, GTT còn 300 đồng/cp.
CTCP Thuận Thảo là một doanh nghiệp từng niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) nhưng bị hủy niêm yết bắt buộc trong năm 2016 do thua lỗ kéo dài và phải xuống đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM.
Thuận Thảo là một doanh nghiệp của nữ doanh nhân Võ Thị Thanh nổi tiếng một thời. Trong giai đoạn 2006-2011, bà từng liên tiếp nhận giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cup “Bông hồng vàng”. Bà là doanh nhân nữ đầu tiên tại Phú Yên đạt giải thưởng này.
Bà Thảo cũng giữ nhiều vị trí quan trọng như Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành VCCI Phú Yên, Uỷ viên Ban chấp hành Ủy ban MTTQ Phú Yên, Phó chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam…
Nữ doanh nhân Võ Thị Thanh.
Khởi nghiệp từ những năm đầu thời kỳ đổi mới kinh tế, từ một tổng đại lý phân phối hàng, doanh nghiệp của bà Thanh phát triển mạnh trong 2 lĩnh vực thương mại và vận tải. Trong một thời gian dài, Thuận Thảo được biết đến là thương hiệu vận tải rất lớn ở khu vực phía Nam, sau đó lấn sân sang mảng du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản...
Từ năm 2004, bà Thanh lập Thuận Thảo Nam Sài Gòn với mục tiêu lấn sân bất động sản với ngành kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng.
Lao đao vì bất động sản
Tuy nhiên, cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến doanh nghiệp của nữ doanh nhân này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.
Thảm kịch thua lỗ bắt đầu từ việc Thuận Thảo liên tục mở rộng đầu tư, phát triển như vũ bão với hàng loạt các dự án bất động sản du lịch như: Khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai,... trong bối cảnh du lịch Tuy Hòa (Phú Yên) vẫn chưa thực sự phát triển và thị trường bất động sản bước vào thời kỳ khủng hoảng kéo dài từ 2011 cho tới khoảng 2016.
Giai đoạn khó khăn của Thuận Thảo bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng năm 2011. Khi đó lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn vài trăm triệu tới tỷ đồng. GTT bắt đầu chuỗi ngày thua lỗ từ năm 2014.
GTT bị BIDV siết nợ.
Thảm kịch của nữ đại gia “Bông hồng vàng” Phú Yên lên tới đỉnh điểm hồi đầu năm 2017 khi một doanh nghiệp có quy mô nghìn tỷ như GTT liên tục xin Cục thuế xuất từng hóa đơn cho khách lẻ, với doanh thu một vài chục triệu đồng.
Trên trang web của doanh nghiệp đình đám một thời không cập nhập thông tin hoạt động chính, thay vào đó chỉ còn lời chào mời bán tour chương trình du lịch thăm quan Phú Yên với giá vài trăm nghìn đồng/người.
Hồi cuối tháng 2/2017, Cục thuế tỉnh Phú Yên đã hủy bỏ giá trị sử dụng toàn bộ hóa đơn, bao gồm cả tem, vé và thẻ của Thuận Thảo do nợ thuế hàng trăm tỷ đồng mà không thanh toán được. Trước đó, giữa 2016, GTT đã bị hủy niêm yết toàn bộ 43,5 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM do âm vốn chủ sở hữu.
Trong năm 2018, doanh nghiệp của “Bông hồng vàng” Phú Yên bị ngân hàng liên tục rao bán tài sản để thu món nợ gần 2.300 tỷ đồng gồm hơn 1.200 tỷ đồng nợ gốc và hơn 1.000 tỷ đồng nợ lãi. Theo đó, BIDV Phú Tài rao bán khoản nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn với tài sản đảm bảo gồm 3 khu đất (với tổng diện tích 22ha tại TP.HCM) và 5,2 triệu cổ phiếu GTT.
BIDV sau đó 2 năm chấp nhận lỗ 2.000 tỷ đồng để bán tiếp loạt tài sản mới của “bông hông vàng” Phú Yên sau khi đã bán đấu giá khách sạn 5 sao và 1 trung tâm hội nghị của nữ đại gia này.
Thuận Thảo là trường hợp doanh nghiệp điển hình dùng vốn hình thành từ nợ vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, và đầu tư dàn trải trong nhiều lĩnh vực, sau đó lún sâu vào bất động sản, đúng giai đoạn thị trường khủng hoảng.
Về tình hình kinh doanh, GTT đã chậm nộp báo cáo tài chính năm 2020, 2021, 2022. Số liệu chỉ công bố tới quý III/2020 với lỗ lũy kế hơn 1.522 tỷ đồng và khoản phải trả gần 1.747 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 1.075 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận