Bốn nhân sự cấp cao bị khởi tố, khủng hoảng không tràn vào VEA
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA) và một số đơn vị thành viên, có hay không khủng hoảng nhân sự cấp cao tại VEA, vì 4 lãnh đạo bị khởi tố hình sự. Hoạt động của Tổng công ty đang phải đối mặt với những tác động nào? Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tuyển, Quyền Tổng giám đốc, Người công bố thôn
Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 của công ty mẹ, VEA ghi nhận hàng tồn kho trị giá hơn 1.506 tỷ đồng. Có ý kiến quan ngại, liệu đây có phải là một trong những hậu quả của các sai lầm trong chiến lược đầu tư, sản xuất - kinh doanh do ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng như một số lãnh đạo khác của VEA vừa bị khởi tố gây ra? Lượng hàng tồn kho này có khiến VEA mất cân đối tài chính?
Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEA và ban hành Kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT ngày 8/5/2019. Tại kết luận thanh tra này, Bộ Công thương kiến nghị chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm về quản lý kinh tế. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Bộ Công an là về các vụ việc liên quan đến các vi phạm này.
Giá trị hàng tồn kho tại báo cáo tài chính bán niên 2019 của công ty mẹ là 1.506 tỷ đồng, bằng 5,9% tổng tài sản và chiếm 7,2% tài sản ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2019. Giá trị tồn kho này không làm mất cân đối tài chính, không làm tăng chi phí tài chính, vì VEA không sử dụng vốn vay.
Lượng hàng tồn kho đang tập trung ở đơn vị nào và ảnh hưởng ra sao tới hoạt động của họ, VEA có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Lượng tồn kho tập trung vào một số chi nhánh, nên ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị này. Do vậy, VEA đang thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.
Nhiều nhân sự chủ chốt của VEA vừa bị khởi tố hình sự để làm rõ các sai phạm. Ðiều này có tạo ra khủng hoảng nhân sự cấp cao tại VEA, có tạo ra sự e ngại trong quản lý, điều hành?
2/4 nhân sự vừa bị khởi tố đã nghỉ hưu hoặc ngừng điều hành từ trước, nên không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của VEA. Các nhân sự khác, hiện VEA đã có phương án thay thế.
VEA góp vốn kinh doanh với nhiều công ty trong và ngoài nước như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Cơ khí An Giang… Sau sự cố trên, mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác bị tác động ra sao?
Ông Ngô Văn Tuyển.
Các đối tác của VEA đã được thông báo cụ thể về tình hình hoạt động của VEA sau khi Tổng công ty và một số nhân sự cấp cao bị khởi tố hình sự. Có thể nói, mọi hoạt động của VEA đang trong quá trình chấn chỉnh, hoàn thiện và theo xu hướng tốt lên.
Gần đây, giá cổ phiếu VEA liên tục giảm. Với cương vị Quyền Tổng giám đốc doanh nghiệp, ông có giải thích gì về diễn biến này và có lời khuyên gì với nhà đầu tư?
Hoạt động chính của VEA bao gồm sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của công ty mẹ, đầu tư tài chính dài hạn tại các công ty con và đầu tư tài chính ngắn hạn. Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của VEA đa dạng không chỉ ở công ty mẹ, mà còn ở các công ty có vốn góp của VEA (đầu tư tài chính dài hạn), trong đó có các sản phẩm ô tô, xe máy, công nghiệp hỗ trợ.
Xét về tổng thể, các hoạt động của VEA đang có chiều hướng tốt lên. Giá cổ phiếu VEA được các nhà đầu tư đánh giá chính là ở xu hướng này, với thực tế lợi nhuận liên tục tăng trưởng, các hoạt động ngày càng minh bạch, tối ưu hóa hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích của các cổ đông, người lao động và nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Việc khởi tố vụ án là liên quan đến các trách nhiệm của những người cụ thể, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của VEA. Thời gian vừa qua, các nhà đầu tư, các cổ đông đều giữ mối liên hệ chặt chẽ với VEA và có thể nói, họ hiểu được tình hình thực tế của Tổng công ty.
Theo kế hoạch được Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 thông qua, dự kiến VEA sẽ chuyển cổ phiếu sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm nay. Thế nhưng, với tình trạng báo cáo tài chính năm 2016, 2017, 2018 có nhiều nội dung bị kiểm toán ngoại trừ, cộng với việc VEA và nhiều lãnh đạo cấp cao bị điều tra, kế hoạch chuyển sàn liệu có bị ảnh hưởng?
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE theo Nghị quyết Ðại hội cổ đông thường niên năm nay ban hành ngày 30/6/2019. Thực tế, khi biểu quyết thông qua kế hoạch này, các cổ đông đã hiểu rõ tình hình hoạt động của VEA. Báo cáo tài chính bán niên 2019 của VEA đang được soát xét bởi Công ty kiểm toán Deloitte và sẽ được công bố trong thời hạn quy định đối với công ty đại chúng (chậm nhất là ngày 30/8/2019).
Kết quả soát xét sẽ chỉ ra những vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian cuối năm, để đảm bảo báo cáo tài chính năm nay đủ điều kiện niêm yết theo quy định của HOSE. Những vi phạm liên quan đến vụ án vừa khởi tố không ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết của VEA.
Tuy nhiên, hồ sơ niêm yết trên HOSE của VEA đang phải xử lý một số thông tin, nên kế hoạch chuyển sàn trong năm nay đến thời điểm hiện tại là không thể thực hiện được. Do vậy, kế hoạch niêm yết cổ phiếu VEA trên HOSE dự kiến sẽ được lùi vào quý I/2020.
Trước thời điểm VEA bị khởi tố hình sự không lâu, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của VEA đã bãi nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Trần Ngọc Hà (trước đó nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị). Để bổ sung nhân sự cho Hội đồng quản trị, đại hội đã bầu ông Nguyễn Tiến Vỵ, nguyên Chánh văn phòng, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương, hiện là thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn làm thành viên Hội đồng quản trị độc lập VEA nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận