Sau hai năm dịch bệnh, “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp đã cạn kiệt, không thể tiếp tục chống đỡ và cần được "cấp cứu" về dòng tiền để bắt nhịp phục hồi.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có bài tham luận đề xuất một số giải pháp để phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế.
Tìm nguồn oxy để bơm doanh nghiệp?
Theo ông Đặng Hồng Anh, trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống, xã hội, trong đó, không thể không kể tới sức công phá tới nền kinh tế đất nước. Đợt bùng dịch lần thứ tư vừa qua, bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề, nhất là Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với các hội viên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trên cơ sở đó, đại diện của cộng đồng doanh nhân trẻ đã kiến nghị một số nhóm giải pháp trước hết là đề phục hồi nền kinh tế và hướng đến mô hình phát triển bền vững. Về phục hồi nền kinh tế sau cơn địa chấn do Covid-19 gây ra bao gồm 3 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, về tăng cường giám sát “từ xa từ sớm” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nêu lại bài học trong việc triển khai gói kích cầu trị giá 6,9 tỷ USD nhằm phục hồi kinh tế sau khủng khoảng kinh tế 2008-2009 như chính sách tuy chính xác nhưng việc triển khai thiếu tính đồng bộ, thiếu giám sát dẫn đến thất thoát.. trong đó đúc kết nguyên nhân chính là do thiếu một cơ chế giám sát đủ hiệu lực hiệu quả.
Do đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng World Bank và Thời báo Kinh tế Việt Nam xin đề xuất thực hiện một chương trình hợp tác công - tư hỗ trợ các cơ quan của Quốc hội giám sát thực thi gói chính sách kích cầu nền kinh tế vượt qua khủng hoảng mà Chính phủ đang xây dựng với tôn chỉ “Từ xa, Từ sớm”.
Chương trình này sẽ bao gồm giới thiệu mô hình mới về giám sát thực thi chính sách toàn diện và xuyên suốt bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chính sách, thực hiện đào tạo nâng cao năng lực, cung cấp chuyên gia tư vấn và thực hiện tham vấn công - tư định kỳ nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho việc triển khai gói cứu trợ phục hồi kinh tế.
“Mô hình tiền kiểm được các nhà khoa học quốc tế đánh giá là tối ưu cho công tác giám sát chính sách, nâng cao tính khoa học, hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội. Đây cũng là mô hình hoạt động của Quốc hội tại các quốc gia phát triển. Tổng ngân sách dành cho hoạt động này của World Bank là 10 tỷ đồng và kéo dài trong 2 năm”, ông Đặng Hồng Anh cho biết về tính hiệu quả và chi phí của chương trình đề xuất.
Thứ hai, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng cần gói hỗ trợ vốn như bơm oxy cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ đó có thể lấy từ nguồn vốn đầu tư công được Quốc hội thông qua trong chiến lược 5 năm, có các gói hiện dự án đã có chủ trương nhưng cần một hai năm tới mới có thể thực hiện…Ngoài ra, sau khi cân nhắc các chỉ số nợ nước ngoài thì có thể cân nhắc lấy một phần từ dự trữ ngoại hối.
Một trong những cách thức để huy động nguồn vốn đối với các doanh nghiệp là từ các ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 14 ngày 7/9, trong đó quy định điều kiện giãn nợ trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên trong thực tiễn, rất nhiều doanh nghiệp chưa hưởng lợi từ chính sách này. Vì theo Thông tư 14, điều kiện tiên quyết là phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19.
“Vậy thì quyền của ngân hàng là rất lớn và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng trong việc đề xuất các khó khăn này, giãn nợ, cơ cấu lại nợ và không chuyển nhóm cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng, làm chậm trễ vấn đề hỗ trợ cho hội viên.
Do đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau và được giãn nợ đồng loạt 6-12 tháng, ít đi kèm với điều kiện, không để xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành y tế, thực phẩm, sắt thép… “, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất.
Thứ ba, về công tác phân bổ vắc-xin phòng Covid-19. Trong thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất ưu tiên dành vắc-xin cho các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, địa phương sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng xuất nhập khẩu trọng điểm của nền kinh tế, địa phương có điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Mở cửa chính sách tuyển dụng người tài
Về tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững nền kinh tế, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có đề xuất một số vấn đề với Quốc hội, Chính phủ, cụ thể:
Thứ nhất, giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng để khẳng định Việt Nam có thể trở thành nước phát triển được hay không. Giống như giai đoạn 13-20 tuổi của con người nếu giai đoạn này dinh dưỡng tốt thì khẳng định năm 25-30 tuổi sẽ cao 1m9 hay không? còn nếu dinh dưỡng kém thì chưa đến lúc nhưng đã biết chắc chắn năm 30 tuổi không lớn đến 1.5m. Vì thế, các chính sách tư nhân hoá đẩy mạnh trong 10 năm nữa là cực kỳ quan trọng, nếu không làm được đất nước sẽ không thể lớn mạnh mà mãi là 1 nước thu nhập trung bình (dạng cao 1.5m).
Thứ hai, nếu đất nước thật sự muốn những tinh hoa của cả dân tộc đều có cơ hội thì phải mở cửa chính sách tuyển dụng người tài, không bó hẹp phạm vi và đối tượng. Tuyển dụng công chức và ký hợp đồng làm công chức (kể cả lãnh đạo các cơ quan công quyền) theo cơ chế mở cửa cho tất cả những tinh hoa của đất nước có mong muốn đều có cơ hội như nhau. Công chức khi hết hạn hợp đồng thì lại trở về ký hợp đồng lao động làm các công việc khác.
Thứ ba, tỷ lệ doanh nhân, trí thức trong Quốc hội cần tăng lên nhiều. Hiện nay tỷ lệ này quá thấp, không đảm bảo việc phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Chuyên nghiệp hoá đại biểu Quốc hội với vai trò lập pháp nên hạn chế những đại biểu thuộc cơ quan hành pháp tham gia.
Thứ tư, tập trung ưu tiên chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra một nền sản xuất vững bền. Đặc biệt là các nguyên liệu gốc tạo ra giá trị gia tăng thực thụ và bền vững (tránh trở thành nền kinh tế gia công), phát huy lợi thế một số nguyên liệu cơ bản mà Việt Nam có.
Thứ năm, có các chính sách ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp thông qua miễn giảm thuế cho nhà đầu tư, ưu đãi mặt bằng, vốn, công nghệ và đầu tư bằng vốn Nhà nước.
Thứ sáu, doanh nghiệp nhà nước không làm những gì doanh nghiệp tư nhân làm được (để thúc đẩy phát triển Doanh nghiệp tư nhân); doanh nghiệp lớn không làm những gì doanh nghiệp nhỏ làm được (để thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ).
Thứ bảy, miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư dùng lợi nhuận đầu tư cho thể thao, giáo dục, y tế và công nghệ cao. Có chính sách ưu đãi cao nhất cho ba lĩnh vực đầu tư này về đất đai, hỗ trợ vốn, thuế và đặc biệt khuyến khích đầu tư kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài (tiêu chí nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn là nhà đầu tư có lịch sử trong lĩnh vực lựa chọn).
Thứ tám, cần tập trung và tạo đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, tiềm lực quý giá mà nhiều nước thèm muốn. Tuy nhiên từ năm 2030, Việt Nam sẽ bắt đầu chuyển sang thời kỳ già hóa. 10 năm sắp tới sẽ là thời gian vàng mà chúng ta phải tận dụng, bởi vì trong số 20 triệu thanh niên, chiếm gần 21% dân số của chúng ta chắc chắn sẽ có nhiều người trẻ tài năng xuất sắc, có tri thức trình độ, có năng lực hội nhập, khả năng tiếp thu khoa học công nghệ. Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nếu áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ sẽ giúp chúng ta tăng trưởng nhanh, bắt kịp với thế giới.
Bình luận