menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Bom nợ của các doanh nghiệp “quá lớn để sụp đổ”

Chiến dịch cắt giảm đòn bẩy nợ và siết chặt kỷ luật đối với doanh nghiệp của Trung Quốc đang định hình lại thị trường tín dụng trị giá 12 nghìn tỷ USD của quốc gia này.

Siết chặt đòn bẩy nợ

Thời gian gần đây các quan chức liên tục cảnh báo về rủi ro bong bóng do các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 vào năm ngoái đã đẩy tỷ lệ đòn bẩy nợ trong nền kinh tế lên mức kỷ lục.

Thế nhưng rủi ro bắt nguồn từ việc các tập đoàn sử dụng đòn bẩy nợ quá mức đang gia tăng. Theo hãng tin Bloomberg, HNA Group Co., một nhà điều hành hàng không ít được biết đến đã phát triển thành một gã khổng lồ trước khi sụp đổ, phải đối mặt với yêu cầu bồi thường từ các chủ nợ lên tới 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (185 tỷ USD). Hay như một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất của Trung Quốc vào năm ngoái là Tsinghua Unigroup Co. - công ty có nguyện vọng trở thành người khổng lồ đầu tiên của quốc gia trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, các công ty này là biểu tượng của cách Trung Quốc phát triển trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi mà các nhà hoạch định chính sách nước này đã tung ra một loạt các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế thông qua tín dụng.

Tuy nhiên lo ngại về quy mô của núi nợ và khả năng xảy ra “khoảnh khắc Minsky” đã khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc khởi động chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy nợ vào năm 2017, song nó đã bị tạm gác lại bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Hiện Trung Quốc đang tận dụng lợi thế nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ và thị trường tài chính ổn định để củng cố khu vực doanh nghiệp. Các nhà phân tích tại UBS Group AG và Goldman Sachs Group Inc. nói rằng, khái niệm “quá lớn để sụp đổ” sẽ không còn được áp dụng ở Trung Quốc khi các khoản vỡ nợ trong năm nay vượt quá 23 tỷ USD, một tốc độ kỷ lục.

Quá lớn để cứu?

Lĩnh vực bất động sản là một trong những trọng tâm của chiến dịch lần này. Chính phủ Trung Quốc cho biết họ đã soạn thảo các quy tắc tài chính mới cho lĩnh vực vốn chiếm khoảng 29% sản lượng kinh tế này.

China Evergrande Group đã cam kết đáp ứng ít nhất một trong những giới hạn vay, được gọi là “ba ranh giới đỏ”, vào cuối tháng này. Công ty đang tăng cường bán tài sản khi tìm cách giảm gánh nặng nợ 100 tỷ USD. Evergrande đã không phát hành trái phiếu USD kể từ tháng 1/2020 và tuần này đã bị Fitch Ratings cắt giảm xếp hạng sâu hơn trong mức rác. Vào thứ Năm, nhà phát triển bất động sản này cho biết, họ đã thu xếp tiền để trả một trái phiếu đáo hạn vào thứ Hai, cũng như các khoản thanh toán lãi suất.

Một trọng tâm khác là ngành quản lý nợ xấu, được giao nhiệm vụ làm sạch các khoản nợ xấu của Trung Quốc. Một nhân tố quan trọng là China Huarong Asset Management Co., công ty đã vướng vào bê bối tài chính dưới thời cựu chủ tịch trước khi bị bắt vào năm 2018. Sau khi Lai Xiaomin bị xử tử vào năm nay vì tội hối lộ, mối quan tâm về tương lai của công ty càng lớn khi nó không công bố thu nhập năm 2020 vào tháng 3. Huarong và các chi nhánh của nó có khoản nợ 39,8 tỷ USD.

Hiện các công ty đang bị giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết. Trung Quốc đã tăng cường quy định đối với các tập đoàn khổng lồ như Alibaba Group Holding Ltd. và Tencent Holdings Ltd. Các doanh nghiệp nhà nước cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên theo giới chuyên môn, đây là một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Một mặt họ muốn chấm dứt rủi ro đối với những gã khổng lồ nợ nần như China Huarong Asset Management Co. và China Evergrande Group sẽ giúp hệ thống tài chính linh hoạt hơn về lâu dài, tuy nhiên một vụ vỡ nợ lớn sẽ gây ra những tác động đau đớn đáng kể trong ngắn hạn.

“Chính phủ (Trung Quốc) đã mạnh dạn hơn với các vụ vỡ nợ, thậm chí là các công ty nhà nước quan trọng trong khu vực, nhưng Huarong và Evergrande sẽ mang lại những thách thức lớn hơn và mang tính hệ thống hơn nhiều”, Jeffrey Chwieroth - Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Trường Kinh tế London nói.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết trong một ghi chú đầu tháng này rằng, dù Trung Quốc có thể sẽ can thiệp để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng, nhưng vẫn có sự không chắc chắn “đáng kể” về tính kịp thời và mức độ hỗ trợ. Đáng quan ngại hơn khi mà theo Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, tại Bắc Kinh: “Vấn đề của sự quá lớn để sụp đổ là nó có thể nhanh chóng biến thành quá lớn để… cứu”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại