menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Phong

"Bom nợ" 300 tỷ USD của Evergrande ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu ra sao?

Cuộc khủng hoảng nợ tại Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu. Các chiến lược gia cho rằng vụ việc có thể làm nền kinh tế toàn cầu gợn sóng.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ "giải cứu" trước khi vụ vỡ nợ xảy ra gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống ngân hàng nước này. Do đó, họ không cho rằng cuộc khủng hoảng của Evergrande có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng trên phạm vi toàn cầu.

Khi nào Trung Quốc vào cuộc giải cứu?

Câu hỏi quan trọng đối với các nhà đầu tư là làm thế nào và bao giờ các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ ra tay xử lý? Và liệu Trung Quốc có khởi động tái cơ cấu Tập đoàn Evergrande như các chuyên gia thị trường kỳ vọng hay không?

Các nhà đầu tư lo ngại rằng Bắc Kinh có khả năng để cho Evergrande sụp đổ, khiến các cổ đông và trái chủ trong nước thiệt hại nặng nề. Tuần trước, Evergrande cho biết họ đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có và bỏ ngỏ khả năng vỡ nợ. Trong khi đó, khoản thanh toán nợ trái phiếu phát hành ở thị trường nước ngoài sẽ đáo hạn vào ngày 23/9, tức chỉ còn 2 ngày nữa.

"Mọi người đang kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra một số giải pháp vì Evergrande là một công ty quan trọng về mặt hệ thống", ông Jimmy Chang, Giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office nói với CNBC và cho rằng: "Evergrande có một khoản nợ trị giá 300 tỷ USD chưa thanh toán nên sẽ có sự ảnh hưởng nếu vấn đề của Evergrande không được giải quyết. Tôi nghĩ rằng một số doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực mạnh sẽ tiếp quản tập đoàn này".

Kinh tế toàn cầu ảnh hưởng ra sao?

Các chuyên gia thị trường cho rằng, "bom nợ" Evergrande có thể không dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, nhưng nó có thể gây ra nhiều biến động.

Ông Rick Rieder - Giám đốc đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock - cho rằng, điều khó khăn là không thể đoán được chính phủ Trung Quốc sẽ xử lý vụ việc này ra sao cho đến khi có câu trả lời rõ ràng. Nhưng ông tin rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ hành động và ổn định vụ việc.

Theo ông, qua vụ việc này, các nhà đầu tư có thể sẽ thận trọng hơn khi đầu tư vào các công ty bất động sản và các công ty đa ngành ở Trung Quốc trong một thời gian.

Điều này có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc vốn đã chậm lại sẽ bị ảnh hưởng thêm và dòng vốn có thể chảy sang các nền kinh tế khác.

Theo ông Chang, chính phủ Trung Quốc cần nhanh chóng hành động vì vụ việc của Evergrande đang bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo ông, bất động sản là lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc và tài chính của nhiều gia đình dân nước này khi có hơn 90% người dân sở hữu nhà ở. Thậm chí, nhiều người mua nhà như một khoản đầu tư. Vì vậy, nếu cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande không được giải quyết, nó có thể trở thành một sự kiện "thiên nga đen" thực sự.

Thực tế là nền kinh tế Trung Quốc quá lớn nên có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. "Nếu Trung Quốc gặp phải vấn đề kinh tế nghiêm trọng vì Evergrande thì phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng", ông Chang nói.

Chỉ số Dow Jones kết thúc phiên giao dịch hôm qua (20/9) đã giảm hơn 600 điểm sau khi thị trường chứng khoán ở châu Âu, Hồng Kông và các khu vực khác của châu Á giảm mạnh. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong trái phiếu.

Trung Quốc sẽ chỉ vào cuộc để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng

Ông Mark Williams - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics - cho rằng: "Tôi nghĩ cuối cùng các nhà chức trách Trung Quốc cũng sẽ vào cuộc để đảm bảo cho hệ thống tài chính rộng lớn hơn không rơi vào khủng hoảng".

Theo ông, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vài tháng ảm đạm sắp tới. Các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ để cho các doanh nghiệp bất động sản gánh chịu những tổn thất nhất định rồi mới vào cuộc để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Ông Jim Chanos - Chủ tịch kiêm người sáng lập Kynikos Associates - cho rằng đây là thời điểm quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc khi họ đang tiến hành kiểm soát chặt chẽ đối với các công ty internet, công ty giáo dục, trò chơi và các ngành công nghiệp khác. Điều đó sẽ cho thấy Bắc Kinh phản ứng với Evergrande như thế nào.

"Chúng tôi đang thấy một sự thay đổi quan trọng trong cách chính phủ Trung Quốc đối xử với doanh nghiệp, giới doanh nhân và các nhà đầu tư… Họ sẽ xử lý như thế nào với Evergrande mà ai cũng tin là có? Và liệu các trái chủ phương Tây có được cứu? Hay chỉ những khách mua các dự án chưa hoàn thiện của Evergrande được cứu? Các ngân hàng sẽ ra sao?", ông Chao đặt loạt câu hỏi trên CNBC.

Thị trường bất động sản Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn

Ông Chao nói, kể từ năm 2011, Trung Quốc đã 4 lần cố gắng can thiệp, ngăn chặn tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản. Trong mỗi đợt đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chững lại rất nhanh khiến các nhà chức trách phải nới lỏng, sau đó lại tiếp tục siết chặt.

Theo ông, thị trường bất động sản nhà ở tương đương với 20% GDP Trung Quốc, trong khi bất động sản nói chung ở mức khoảng 30% GDP.

Ông Williams của Capital Economic cho biết, có khoảng 1,4 triệu khách mua nhà đã đặt cọc và chờ Evergrande bàn giao nhà. "Chúng tôi không biết liệu họ có thể hoàn thành được các ngôi nhà đó hay không, nhưng có vẻ như khó xảy ra", ông nói.

Rủi ro xảy ra là nếu các công ty bất động sản khác cũng lâm vào tình huống tương tự thì giá trị tài sản sẽ bị ảnh hưởng và có thể gây ra xáo trộn trên thị trường bất động sản. Người tiêu dùng là một nhân tố lớn trong nền kinh tế Trung Quốc và một tác động trên thị trường nhà ở sẽ làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng nước này.

Thậm chí, điều đó cũng sẽ lan sang các thị trường khu vực và toàn cầu thông qua sự suy yếu của thị trường nhập khẩu Trung Quốc cũng như nhu cầu đối với các loại nguyên liệu thô của nước này chậm lại.

"Cùng với những thay đổi trong quy định ở Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, nhu cầu hàng hóa cũng suy yếu, nhà đầu tư có lý do để dừng lại và kiên nhẫn đợi xem những gì đang xảy ra trong khu vực", ông Rieder nói.

Tuy vậy, ông cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc về bản chất có sự đan xen rất lớn với nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, vai trò quan trọng của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu sẽ không sớm biến mất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
37 Yêu thích
23 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại