Bộ Y tế: Việt Nam có khoảng 200 triệu liều vaccine
Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 5/11, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 198,8 triệu liều, đã tiếp nhận 124,7 triệu liều.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là người đầu tiên trả lời chất vấn. Trước phiên chất vấn, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi đến Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.
Gần 100% người dân trên 18 tuổi tiêm đủ 1 liều vaccine
Theo Bộ Y tế, tính đến 4/11, cả nước đã tiêm được 86,4 triệu liều; đã có trên 32,5 triệu người tiêm 1 liều vaccine và trên 26,9 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine.
Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 81,2% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 37,34% dân số từ 18 tuổi trở lên; vào ngày cao điểm cả nước tiêm được trên 2 triệu liều vaccine/ngày.
Có 13 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95%; có 11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%. Riêng các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tiêm được 94,1% mũi 1 và 48,7% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Về tình hình nhập khẩu, sản xuất vaccine, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 5/11, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 198,8 triệu liều, đã tiếp nhận 124,7 triệu liều vaccine và phân bổ vaccine theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch….
Trong đó, thực hiện ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động.
Hiện đã phân bổ hơn 110 triệu liều vaccine cho các đơn vị, địa phương để tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và một số trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Cùng với đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch được đẩy mạnh. Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus; nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, một số trang thiết bị y tế; đảm bảo được trang thiết bị phòng hộ… Về nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đã có 2 vaccine được thử nghiệm lâm sàng; 2 vaccine chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nga và 2 vaccine có hợp tác chuyển giao công nghệ với Trung Quốc, Cuba.
Tuy nhiên, do đây là đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trên quy mô toàn cầu; hầu hết các nước chưa có nhiều kinh nghiệm và có các cách ứng xử khác nhau. Đặc biệt, biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh, khó kiểm soát đối với tất cả các nước và kéo dài nên trong thời gian đầu của đợt dịch, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động.
Không chỉ vậy, còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua và ngược lại, khi có dịch lại hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh. Còn thiếu quyết liệt, thiếu kiên định, còn chần chừ; sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa các địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, thiếu nhất quán.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành chưa thể bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội, nhất là việc đi lại của người dân; hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch.
Hầu hết, các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine... đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước; ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ. Công tác truyền thông giai đoạn đầu còn chậm trễ trong việc cung cấp thông tin định hướng dư luận.
Đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng
Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc, thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học. Hướng tới tỷ lệ vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý 4/2021 và đầu năm 2022.
Từ quý 4 năm 2021, Bộ Y tế tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương với mục tiêu 100% trẻ trong độ tuổi này được tiêm đủ số mũi cơ bản; mở rộng tiêm cho trẻ em thuộc các nhóm tuổi khác có chỉ định sử dụng vaccine, đảm bảo toàn bộ người dân bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine phòng Covid-19.
Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bảo đảm an ninh y tế, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng, chống dịch, kể cả đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.
Tiếp tục nhập khẩu vaccine và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo; khuyến khích huy động nguồn lực địa phương, doanh nghiệp để mua vaccine.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.
Thực hiện việc kết nối, xác thực và liên thông các cơ sở dữ liệu trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư. Đảm bảo an toàn, an ninh đối với các ứng dụng và cơ sở dữ liệu phục vụ phòng, chống dịch.
Tổng kết việc thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng kịch bản, chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung các giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác phòng, chống dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận