Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ chỉnh sửa quy định bất hợp lý về bảo vệ môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo và đề nghị Quốc hội, Chính phủ xin, miễn, giảm, hoãn một số chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội.
Ngày 18/10, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà làm việc với một số hội, hiệp hội doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVTM).
Tại buổi làm việc, đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp đã chỉ ra một số bất cập, thiếu khả thi trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.
Ông Lê Văn Vệ, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho rằng, xe máy là một tài sản của người dân, khi mua họ đăng ký quyền sở hữu. Việt Nam cũng chưa có chính sách cũng như chế tài khuyến khích chủ phương tiện thải bỏ. Vì thế Dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp thu gom xe máy là không khả thi.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ tái chế, còn thu gom thì rất khó khăn. Thực tế, các nước tiên tiến trên thế giới tái chế xe máy, ô tô rất nhiều nhưng thu gom thì chưa từng có trong tiền lệ”, ông Vệ nói và cho rằng, quy định thu gom phương tiện xe máy về tái chế gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa kể, việc thu gom tái chế cũng khiến giá thành sản phẩm tăng lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Bà Hải Yến, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô cũng khẳng định: “Chúng tôi không từ chối trách nhiệm tái chế nhằm góp phần vào giảm thải, bảo vệ môi trường”. Tuy nhiên, theo bà Yến, Dự thảo mới quy định doanh nghiệp phải đạt tỷ lệ tái chế nhất định dựa trên tổng lượng sản phẩm tiêu thụ ra thị trường, là không sát với thực tiễn. Ô tô là tài sản của người dân, doanh nghiệp chúng tôi không thể thu hồi, vì không có khung pháp lý hỗ trợ”, bà Yến nói.
Bà Yến cũng cho rằng, lộ trình áp dụng tái chế cũng cần xem xét lại, bởi nền công nghệ tái chế Việt Nam chưa đạt được sự phát triển như các nước tiên tiến, nhiều sản phẩm chưa thể tái chế trong nước mà phải gửi ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đề nghị, điện tử hóa các thủ tục hành chính về việc cấp các giấy phép môi trường. Ông Nam cũng kiến nghị cần quy định rõ ràng về thời gian cấp phép, thời gian thẩm định, tránh việc mỗi địa phương phát sinh các thủ tục hành chính khác nhau…
Đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025, để có thời gian xây dựng công nghiệp tái chế, chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng được khả thi, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến tại buổi làm việc và điều chỉnh các nội dung trong Dự thảo quy định phù hợp, hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển doanh nghiệp, có bước đi phù hợp trong thời gian tới, sát với thực tiễn.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu và chỉnh sửa. Những vấn đề chung sẽ đưa vào trong Nghị định, những vấn đề chi tiết hơn và thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng sẽ đưa vào trong thông tư hướng dẫn.
Theo ông Hà, Bộ TN&MT sẽ báo cáo và đề nghị Quốc hội, Chính phủ xin hoãn, miễn, giảm một số chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội trong thời gian này, do bị ảnh hưởng từ COVID-19.
Luật BVMT 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Luật có nhiều quy định cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Luật cũng thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tập trung vào các dự án lớn thuộc nhóm I và dự án nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như: xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa….
Luật cũng quy định tích hợp 7 giấy phép, xác nhận vào 1 giấy phép môi trường (GPMT); phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường nhưng bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng và pháp luật liên quan...
Luật BVMT năm 2020 quy định việc kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; cắt giảm cơ chế “xin - cho”, chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang hậu kiểm; cụ thể hóa nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận