Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp như FPT là nhân tố chính để Việt Nam hóa rồng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh phát triển và phổ cập các dịch vụ từ AI cho người dân Việt Nam là sứ mệnh của các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có Tập đoàn FPT (HOSE: FPT).
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đến thăm đầu năm và chúc Tết lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Tập đoàn FPT chiều 15/02. Ảnh: FPT |
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng và đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, khép lại năm 2023, doanh thu Tập đoàn đạt 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9,203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19.6% và 20.1% so với cùng kỳ, hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận.
Đặc biệt, FPT đã đạt 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài và tiếp tục ghi dấu ấn tại các mảng kinh doanh Viễn thông và Giáo dục.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Ảnh: FPT
Mục tiêu năm 2024 của FPT dự kiến tăng doanh thu 17.5%, lợi nhuận trước thuế tăng 18.2% so với cùng kỳ. Tại lĩnh vực công nghệ, Tập đoàn lựa chọn mũi nhọn là AI, bán dẫn và automotive với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành công ty thiết kế chíp lớn nhất Đông Nam Á. Đồng thời là nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô quy mô 1 tỷ USD.
Phát biểu buổi làm việc, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tính đến nay, cả nước có hơn 40,000 doanh nghiệp số nhưng đa số là doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, họ rất cần những doanh nghiệp lớn, thành công như FPT để nhìn vào và có niềm tin, đặc biệt là niềm tin đi ra nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành TT&TT tự hào khi có 1,500 doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài và con số đã đạt trên 7.5 tỷ USD. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đã đạt 1 tỷ USD, chiếm hơn 77% so với doanh thu khối công nghệ.
Chia sẻ về chuyển đổi số và xu hướng sống xanh, Bộ trưởng cho rằng, AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ như động cơ hơi nước, điện năng của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây và năm 2024 sẽ là năm phát triển AI và biến AI thành dịch vụ để cung cấp ra thị trường.
Ảnh: FPT
Về công nghiệp bán dẫn, năm 2024 là sẽ năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về lĩnh vực này. Đây là ngành công nghiệp nền tảng và là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.
Một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin, dữ liệu như yếu tố đầu vào của sản xuất thì việc sản xuất chip bán dẫn là trọng yếu. Lợi thế lớn nhất của người Việt Nam là có gen, năng khiếu Steam (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học), đây là yêu cầu căn bản của bán dẫn.
Bộ trưởng nhắn nhủ FPT cần chủ động toàn bộ chuỗi quy trình trong ngành công nghiệp này để "mơ giấc mơ lớn hơn, làm những việc khó hơn và nhường những việc dễ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn".
Thế Mạnh
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận