Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Cần hài hòa lợi ích trong dự án điện - khí Lô B (TP. Cần Thơ)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chuỗi dự án điện - khí Lô B triển khai từ lâu nhưng tiến độ bị đẩy lùi và cần được xem xét hài hòa lợi ích giữa các bên.
Tại buổi làm việc chiều 10/7 với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã kiến nghị 8 vấn đề tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành để giúp địa phương này có thể đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.
Trong các kiến nghị này có một số nội dung liên quan đến chuỗi dự án điện - khí Lô B (một dự án trọng điểm quốc gia về năng lượng đã được triển khai từ lâu nhưng tới nay tiến độ bị chậm.
Theo đó, UBND TP. Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì tính toán lợi ích tổng thể trong chuỗi dự án khí Lô B, từ đó sớm thông qua Cơ chế chuyển ngang giá từ Hợp đồng Bán khí (GSA) sang Hợp đồng giá bán điện (PPA) và khối lượng khí cam kết tiêu thụ cho cả dòng đời chuỗi dự án để các Nhà máy nhiệt điện ở hạ nguồn có thể cam kết tiêu thụ toàn bộ khí được khai thác ở thượng nguồn (để các nhà đầu tư thượng nguồn và trung nguồn phê duyệt Quyết định đầu tư cuối cùng kịp thời hạn).
Liên quan đến kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Chuỗi tổ hợp điện - khí Lô B đã kéo dài quá lâu, khiến đất để hoang, trạm bỏ phí và gây bức xúc cho địa phương. Trong khi đó, nếu tổ hợp này đi vào hoạt động thì ít nhất trong cả dự án chúng ta sẽ có 111 tỷ m3 khí, tương đương mức từ 18-20 tỷ USD, chưa kể chúng ta sẽ có thêm 4.000 MW điện mua và huy động được khoảng 12.000-15.000 MW điện tái tạo… Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đây là kiến nghị hoàn toàn xác đáng.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mặc dù đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều có phản hồi ngay tại buổi làm việc song các ý kiến này mới phản ánh về tình hình đang diễn ra hiện nay và chưa nói hết được bản chất phức tạp của vấn đề, chưa dẫn chiếu được những quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết những vấn đề này.
Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là bao tiêu khí. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đây là dự án thương mại, không phải dự án BOT và trong quy định hiện hành không có cam kết bao tiêu từ Chính phủ cũng như Bộ Công Thương. Do vậy 2 tập đoàn gồm EVN, PVN cần báo cáo rõ và có tính toán để hài hòa lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bởi nếu chúng ta bao tiêu khí, đồng nghĩa với việc không sử dụng khí vẫn phải trả tiền (mà giá điện từ khí theo như đề xuất của PVN đang cao, có thể dẫn tới Trung tâm diều động Điện quốc gia không thể mua).
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vấn đề này vào phiên họp Chính phủ để thảo luận và hai tập đoàn phải chứng minh được bài toán kinh tế khi khai thác khí ở dự án này.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, trên cơ sở các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với nhiều đề xuất, kiến nghị của Cần Thơ trên nguyên tắc là phải tháo gỡ, tìm được đầu ra cho các khó khăn, vướng mắc; các bộ, ngành và thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên tinh thần xuống tận cơ sở, khảo sát thực tiễn, có tiếp cận mới, tư duy mới để xử lý các vấn đề.
Đối với các vấn đề liên quan chuỗi dự án điện-khí Lô B, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt, tổng thể trên cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, khẩn trương báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó có việc sửa đổi các quy định của pháp luật nếu cần thiết. Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan phát huy trách nhiệm cao nhất, tất cả vì công việc chung trên cơ sở "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, của cử tri.
Cần Thơ kiến nghị 8 vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương:
1. Về nhu cầu đất phi nông nghiệp trong Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép chuyển đổi thêm khoảng 20.000 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 trong Quy hoạch tổng thể TP. Cần Thơ để tạo thêm nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 2. Chuỗi dự án điện - khí Lô B, Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì tính toán lợi ích tổng thể của Việt Nam trong Chuỗi dự án khí Lô B, từ đó sớm thông qua Cơ chế chuyển ngang giá từ Hợp đồng Bán khí (GSA) sang Hợp đồng giá bán điện (PPA) và khối lượng khí cam kết tiêu thụ cho cả dòng đời chuỗi dự án để các Nhà máy nhiệt điện ở hạ nguồn có thể cam kết tiêu thụ toàn bộ khí được khai thác ở thượng nguồn (để các nhà đầu tư thượng nguồn và trung nguồn phê duyệt Quyết định đầu tư cuối cùng kịp thời hạn). 3. Dự án “Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ”. Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông vận tải làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, đánh giá sự phù hợp về yêu cầu kỹ thuật, môi trường để điều chỉnh Quyết định số 963/QĐ-BGTVT; đồng thời, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 45/2022/QH15 vào quyết định công bố danh mục dự án và triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. 4. Tuyến đường kết nối Kiên Giang (Giồng Riềng), Cần Thơ (Ô Môn) với Đồng Tháp (Sa Đéc) và Dự án Cầu Ô Môn, Cần Thơ đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương xem xét, chấp thuận dự án này được tham gia Chương trình DPO từ nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản. 5. Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, địa phương kiến nghị Thủ tướng sớm có ý kiến thẩm định và phê duyệt đề án này. 6. Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 (Đoạn từ Km0 - Km 7), địa phương đề xuất Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư xây dựng dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7) từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025. 7. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (Khu công nghiệp VSIP), địa phương mong muốn Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này. 8. Một số khó khăn liên quan đến đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ, hướng dẫn địa phương xác định căn cứ pháp lý để xử lý hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước đã triển khai một phần nhưng được cấp chủ trương đầu tư theo trình tự, thủ tục chưa hoàn toàn phù hợp quy định. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận