Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước
Ngân sách nhà nước đã cán đích và vượt gần 20% so với dự toán, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động bất lợi. Bước sang năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh các vấn đề này.
Nhìn lại năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trong 2 năm từ 2020 - 2021, các vấn đề phát sinh trong điều hành tác động không thuận lợi đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh đó, ngành tài chính đã chủ động, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022 đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra.
Điều này được thể hiện trên một số mặt như: hoàn thiện thể chế đã được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ đã điều hành quyết liệt thu, chi ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu, quản lý chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả, chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế với quy mô 347 nghìn tỷ đồng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số. Cùng đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên so định mức phân bổ ngân sách, thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Đến ngày 15/12, thu ngân sách nhà nước đã vượt 19,8% so với dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10,11/2022). Qua đó đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bù đắp số giảm thu ngân sách nhà nước do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đảm bảo đầy đủ nguồn lực chi đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, các chính sách an sinh xã hội mà không phải tăng bội chi ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, việc quản lý, huy động và vay, trả nợ công đã bám sát các mục tiêu. Đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43 - 44% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 40 - 41% GDP; dư nợ vay nước ngoài của quốc gia từ 40 - 41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ từ 18 - 19% tổng thu ngân sách nhà nước, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Đặc biệt, về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trước sai phạm của một số doanh nghiệp khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, an toàn cho thị trường trong trung và dài hạn.
Có thể thấy, năm 2022 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt. Đồng thời, tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh.
Kết quả thu ngân sách nhà nước vượt mức dự toán được giao, chi quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Giá cả và thị trường được điều hành linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch; kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường.
Dịch COVID-19 xảy ra vào đầu năm 2020 đến nay đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế như thuế giá trị gia tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng
Năm 2022, các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng bao gồm cả số giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, số tiền được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 15/12, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng.
Trước diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng nhanh, gây áp lực lên lạm phát, tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2023 và đề xuất tiếp tục giảm trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 số tiền 6.600 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và 240 tỷ đồng để cân đối nguồn, giảm áp lực huy động vốn cho Chương trình phục hồi.
Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngay từ khi giao dự toán, cắt giảm những khoản chi ngân sách Trung ương đã được giao nhưng chưa phân bổ để bổ sung nguồn lực thực hiện chương trình. Tổng số cắt giảm của các bộ, cơ quan Trung ương khoảng 533 tỷ đồng.
Đặc biệt, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên đã có “tác dụng kép”. Điều này vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời; có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao. Từ đó, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023 như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm tiền thuê đất...
Về lâu dài, quán triệt các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế; đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Đồng thời, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Từ đó, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân. Điều này nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đến thời điểm này, thu nội địa đã hoàn thành và vượt dự toán Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính. Đây không chỉ là kết quả thể hiện sự nỗ lực của ngành tài chính, cơ quan thuế các cấp mà là kết quả của cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch bệnh. Những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, từ quý III trở lại đây nền kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn, khi tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động. Đó là những áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2023.
Để giảm thiểu tác động từ bên ngoài, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển. Trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.
Trước những khó khăn trên, ngành tài chính đã xác định thu ngân sách sẽ phải đối diện với những áp lực lớn và đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội.
Để đạt được kết quả này, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; thực hiện các giải pháp về quản lý thu ngân sách nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra..
Bộ Tài chính cũng chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Cùng đó, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, cơ cấu nợ công trong giới hạn; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường nhất là đối với các nhóm hàng năng lượng, vật liệu xây dựng, sắt thép...).
Đặc biệt là thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; đẩy mạnh giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận