Bộ trưởng Công Thương: Logistics như mạch máu của nền kinh tế quốc dân
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương - nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ, được ví như mạch máu của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ngày 26/11, Bộ Công Thương phối hợp với TP Hải Phòng tổ chức diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề “Logistics xanh” nhằm tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng theo xu hướng xanh hóa, phát triển ngành thân thiện với môi trường, gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Dự diễn đàn có ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Công thương, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng và lãnh đạo các Bộ, ngành cùng đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương - nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như mạch máu của nền kinh tế quốc dân có vai trò quan trọng trong kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử phát triển nhanh, được đánh giá có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics.
Theo Bộ trưởng Công Thương, ngành logistics còn nhiều tồn tại như chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng… là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của ngành.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Công thương - phát biểu khai mạc diễn đàn Logistics Việt Nam 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành, địa phương… tập trung trao đổi cách làm hay, hiệu quả và kiến nghị các giải pháp phát triển ngành logistics, đặc biệt là giải pháp phát triển logistics xanh để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Tại diễn đàn, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng - cho biết, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố đạt khoảng 20-23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế TP Hải Phòng (GRDP) đạt từ 13-15%. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng mạnh, chiếm thị phần ngày càng lớn trong hệ thống cảng biển của cả nước.
Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đưa vào khai thác bến số 1, số 2 từ năm 2018, đã phát huy vai trò là một cảng nước sâu, cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế và khu vực. Địa phương đang đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng, khởi công các bến cảng tiếp theo.
Theo ông Trần Lưu Quang, phần lớn sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng được lưu chuyển bằng đường bộ, gây áp lực lớn hệ thống giao thông; vận chuyển đường sắt, đường thủy còn yếu. Mặt khác, doanh nghiệp logistics tuy nhiều nhưng năng lực cạnh tranh hạn chế, chiếm thị phần thấp, nhân lực thiếu cả chất và lượng...
Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh, địa phương đề ra 5 nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, trọng tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics; tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng; uy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh.
Ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng - nêu 5 giải pháp phát triển logistics địa phương.
Ngoài ra, thành phố cảng còn đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm như: Các bến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến các địa phương... Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực dịch vụ logistics.
Cũng trong diễn đàn, đại diện các đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp thảo luận sôi nổi chuyên đề tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn và logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận