Bộ Tài chính: Tiếp tục xem xét điều chỉnh chi phí liên quan đến xăng dầu
Trong bối cảnh biến động giá xăng dầu trên thế giới tác động làm giá xăng dầu trong nước tiếp tục có những diễn biến khó lường, Bộ Tài chính đã luôn chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu trong nước; đồng thời tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Xung quanh nội dung này, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong khi một số đại biểu khác lại cho rằng vẫn nên duy trì Quỹ bình ổn này nhưng cần điều hành minh bạch, hiệu quả hơn. Quan điểm của Cục Quản lý giá về vấn đề này?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật Giá (được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sau đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 95/2020/NĐ-CP). Quỹ bình ổn giá xăng dầu có đặc thù nhất định, không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung. Mức trích lập, sử dụng phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước và diễn biến thị trường trên cơ sở điều hành của Bộ Công Thương.
Trong suốt thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng quá mạnh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.
Trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy trong thời gian vừa qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo vì vậy công cụ Quỹ vẫn cần thiết.
Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã tính lại các loại phụ phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng trong giá xăng dầu cơ sở. Vậy theo ông, việc cập nhật lần này đã đáp ứng như thế nào nguyên tắc tính đúng, tính đủ trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh biến động giá xăng dầu trên thế giới đã tác động làm giá xăng dầu trong nước và tiếp tục có những diễn biến khó lường, về phía Bộ Tài chính đã luôn chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu trong nước; đồng thời tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường được giảm 50% vào tháng 4/2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường thực hiện từ ngày 11/7/2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu.
Thuế ưu đãi MFN nhập khẩu xăng cũng được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10% thực hiện từ ngày 8/8/2022 để góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Đối với các khoản chi chí định mức trong giá cơ sở xăng dầu: việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh được căn cứ trên cơ sở số liệu thực tế, tính đúng tính đủ theo các báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; Trên cơ sở đó công bố điều chỉnh theo kỳ công bố đúng với quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Riêng đối với khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã 3 lần công bố điều chỉnh, gần đây nhất là vào ngày 8/11/2022.
Trong thời gian tới, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1085/CT-TTg ngày 11/11/2022, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối định kỳ trước ngày 20 hàng tháng có rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Hiện nay Bộ Tài chính đang tổng hợp số liệu báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối gửi về và phối hợp với Bộ Công Thương để xem xét, điều chỉnh theo quy định trong kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022 tới đây.
Theo ông ngoài các biện pháp nói trên, đâu là giải pháp để ổn định thị trường trong nước?
Tiếp tục chủ động, thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 để bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Trên cơ sở đó chú trọng một số vấn đề như cần thiết phải đánh giá kiện toàn hệ thống phân phối xăng dầu để tinh giản chi phí trung gian.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối cần chủ động trong tìm kiếm nguồn hàng, đàm phán để có được mức premium tốt nhất. Như vậy, việc giao kế hoạch cho các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng, tránh bị động.
Trên cơ sở rà soát đánh giá chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cho thấy những lô hàng phát sinh từ ngày 01/6/2022 đến 20/10/2022 các đơn vị đa số mua theo hình thức giao ngay, premium mua theo hình thức giao ngay cao hơn so với trường hợp mua theo hợp đồng kỳ hạn.
Trao đổi với doanh nghiệp thì căn cứ kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các doanh nghiệp đã tính toán để cân đối giữa nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu; khi có kế hoạch giao tổng nguồn bổ sung cho một số doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong nước các doanh nghiệp phải mua theo hình thức giao ngay để đáp ứng ngay, trường hợp này premium sẽ thường cao hơn các lô có kế hoạch và đã có đàm phán từ trước.
Ngoài ra, tiếp tục sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm và theo diễn biến giá thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận