Bộ Tài chính nêu lý do chưa tăng tiếp chi phí kinh doanh xăng dầu
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện mới có 7 doanh nghiệp gửi báo cáo về chi phí kinh doanh xăng dầu và Bộ Công Thương chưa có ý kiến "thì chưa thể làm được".
Một trong lý do khiến doanh nghiệp kêu lỗ, đóng cửa không bán hàng là chiết khấu thấp, các chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời so với thực tế.
Bên hành lang Quốc hội sáng 3/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nếu giá có biến động mạnh, Bộ Tài chính phải tập hợp ý kiến để trình, tham mưu cho Chính phủ. Để cập nhật chi phí tính giá cơ sở giá xăng dầu, cần có ý kiến từ Bộ Công Thương và đề xuất của các doanh nghiệp.
Bộ này đã có 3 văn bản và hôm qua (2/11) tiếp tục gửi văn bản tới các đơn vị liên quan. Nhưng đến nay, ông Phớc cho biết, mới nhận được ý kiến từ 7 doanh nghiệp, còn Bộ Công Thương "thì chưa, nên chưa làm được".
"Điều chỉnh là phải đồng bộ theo đúng quy định, trên cơ sở báo cáo chi phí phát sinh của doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương... mới có căn cứ tính giá và đưa ra mức chi phí trung bình", ông giải thích.
Cũng theo ông Phớc, từ đầu năm đến nay Bộ Tài chính đã nhiều lần điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, tổng cộng gần 2.000 đồng một lít với xăng nền RON 92. Do đó, theo kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp thì nếu chi phí này tiếp tục tăng, sẽ tác động và làm tăng giá bán lẻ xăng dầu, cuối cùng người dân phải gánh chịu chi phí này.
Theo tính toán của Petrolimex - doanh nghiệp hiện chiếm gần 50% thị phần bán lẻ xăng dầu cả nước, premium nhập khẩu thực tế đang cao hơn nhiều so với mức áp dụng trong giá cơ sở.
Chẳng hạn, với xăng nền RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92), chênh lệch giữa thực tế và mức tính trong giá cơ sở là 622 đồng một lít; RON 95 là 551 đồng, dầu diesel 437 đồng...
Ngoài ra, các khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở đã được điều chỉnh từ ngày 11/7, nhưng vẫn đang thấp hơn so với thực tế bình quân năm 2021 khoảng 184-598 đồng một lít, tương đương 13-39% giá bán lẻ xăng dầu và 33 đồng một lít (khoảng 6%) với giá bán buôn dầu mazut.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ngay cả khi điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu thì vấn đề đặt ra là phải "điều tiết được chi phí giữa các doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ".
"Tăng chi phí đó lên 5.000 đồng hay 10.000 đồng một lít mà không điều phối được, doanh nghiệp đầu mối vẫn không tăng chiết khấu cho đơn vị bán lẻ bên ngoài hệ thống, thì vẫn xảy ra tình trạng như hiện nay", Bộ trưởng Phớc nói.
Xăng dầu trong nước nhiều xáo trộn khi một số cửa hàng đóng cửa, bán nhỏ giọt, còn doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ than lỗ do chiết khấu (phần chi phí để lại của doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho đơn vị bán lẻ) xuống thấp, thậm chí bằng 0.
Hôm qua (2/11), Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống trong mọi tình huống.
Để cung ứng cho những nơi thiếu cục bộ, tại cuộc họp chiều 2/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị đầu mối vốn nhà nước, như PVN, Petrolimex, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ... xả lượng xăng dầu dự trữ thương mại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận