Bộ Tài chính "lên dây cót" thu nội địa tăng 8 - 9% vào năm tới
Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng thu nội địa đạt 8-9%/năm trong 2 - 3 năm tới khi nền kinh tế thoát khỏi Covid - 19...
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 61/2021/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024.
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng dự toán thu năm 2022 phải bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn; đặc biệt là các thách thức, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số.
Theo đó, việc lập kế hoạch thu ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 phải đánh giá, phân tích các nguyên nhân tác động tăng, giảm thu ngân sách nhà nước năm 2021.
Trong giai đoạn 2022-2024, phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân chung cả nước khoảng 8-9%/năm. Phấn đấu tốc độ tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bình quân phấn đấu khoảng 5-6%/năm.
Mức tăng thu cụ thể của từng địa phương có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức bình quân chung, tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Bên cạnh đó, dự toán các khoản thu phí, lệ phí các năm 2022-2024 tích cực, chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định và chỉ tổng hợp vào dự toán thu ngân sách phần phí, lệ phí nộp ngân sách nhà nước.
Đối với các khoản thu được để lại, học phí, giá dịch vụ y tế, thu dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí và lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ, thực hiện lập kế hoạch thu riêng theo quy định và xây dựng phương án sử dụng để gửi cơ quan có thẩm quyền giám sát và tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương, gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.
Về phía chi ngân sách, thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên so với dự toán năm 2021, trên cơ sở hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như:đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị...
Đối với chi đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí dự toán năm 2022 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022.
Bộ Tài chính cũng lưu ý, cần bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách thực hiện các dự án, công trình phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP). Mức bố trí vốn cho từng nhiệm vụ phải phù hợp với tiến độ thực hiện và giải ngân trong năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận