menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đức Anh

Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD

Tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp cả nước lên đến 157 triệu tấn mỗi năm, trong đó, có 89 triệu tấn phụ phẩm ngành trồng trọt; 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm; 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp...

Phần lớn lượng phụ phẩm nông nghiệp đang bị đốt bỏ, hoặc thải ra môi trường vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường... Đó là câu chuyện được bàn luận tại hội thảo trực tuyến "Hiện trạng phụ phẩm nông, lâm, thủy sản ở Nam Bộ và đề xuất giải pháp" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .tổ chức ngày 10/9/2021.

PHẢI XEM PHỤ PHẨM LÀ NGUỒN TÀI NGUYÊN TÁI TẠO

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nước ta có nền nông nghiệp nhiệt đới phát triển, có sản lượng nông sản lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 97 triệu dân và xuất khẩu trên 41 triệu USD tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ.

Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến các nông sản đó, tỷ lệ phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn.

Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nông phụ phẩm này phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải, mà phải được xem là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết của cả nước năm 2020 là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Kiên Giang là tỉnh có tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 5,7 triệu tấn mỗi năm, đứng nhì là An Giang với 5,2 triệu tấn.

Trong đó, riêng khu vực Nam bộ, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi, với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam bộ và 39,4 triệu tấn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Chinh, phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch có khối lượng lớn từ rơm lúa 42,8 triệu tấn, thân cây bắp 10 triệu tấn, rau và quả 3,6 triệu tấn, thân cây mì (sắn) 3,1 triệu tấn, trái giả đào lộn hột (điều) 3,1 triệu tấn và các loại khác 6,1 triệu tấn.

Phụ phẩm từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt là vỏ trấu 8,6 triệu tấn, bã mía 3,5 triệu tấn, lõi bắp 1,4 triệu tấn, vỏ củ mì 1,3 triệu tấn và các loại khác là 2 triệu tấn.

Tuy số lượng phụ phẩm nông nghiệp rất lớn nhưng, tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt chỉ đạt 52,2% trên tổng lượng là 88,9 triệu tấn; chăn nuôi có tỷ lệ thu gom là 75,1% trên tổng lượng là 61,4 triệu tấn; thuỷ sản có tỷ lệ thu gom cao nhất với 90% trên tổng lượng phụ phẩm là 1 triệu tấn và lâm nghiệp có tỷ lệ thu gom 50,2% trên tổng lượng là 5,5 triệu tấn.

Trong đó, tỷ lệ sử dụng rơm lúa chỉ có 56,3% cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây...

“Đặc biệt, một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng ở một số nơi thuộc miền Bắc, miền Trung đã gây ô nhiễm không khí, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và là hành vi bị cấm theo quy định về pháp luật môi trường”, ông Chinh cảnh báo.

TẤT CẢ ĐỀU CÓ THỂ BIẾN THÀNH TIỀN

Ông Chinh nhận định, xu thế hiện tại và trong tương lai, thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm sẽ ngày càng phát triển.

Trong vụ đông xuân năm 2021 ở tỉnh Đồng Tháp, giá bán rơm khoảng từ 55.000 - 75.000 đồng trên 1.000m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg, giá rơm cạnh đường giao thông liên xã là 15.000 đồng/bó tương đương 1.250 đồng/kg.

Nếu vận chuyển xa thì giá bán rơm tại cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn… là khoảng 25.000 đồng/bó, tương đương 2.083 đồng/kg. Do đó, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm lúa nếu đem bán cho người thu mua.

Đối với chất thải của ngành chăn nuôi, hiện 48,5% được sử dụng ủ phân truyền thống (compost), trong đó 11% tạo ra khí sinh học; 31,8% bán nuôi trùn quế hoặc thải bỏ…

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, tỷ lệ các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ hiện vẫn ở mức khá thấp.

Cụ thể, sử dụng 43% chất thải chăn nuôi; 33,2% chất thải chế biến thực vật; 17,9% phụ phẩm trồng trọt; 16,2% chất thải chế biến động vật, thuỷ sản; rác thải sinh hoạt hữu cơ 8,1% và rong, tảo biển chỉ 5,1%.

TS. Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho hay, hiện nay trong quá trình sản xuất và thu hái, chế biến trái cây ở Nam Bộ, lượng hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng… rất nhiều, nhưng nhiều nơi đang để lãng phí. Trong khi chúng ta có thể tái sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng ngay tại chính những vườn xoài, thanh long, dưa hấu…

Ông Phụng đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông để giúp nông dân và doanh nghiệp vào cuộc, biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Nếu làm tốt, có thể nâng sản lượng phân bón hữu cơ của các doanh nghiệp hiện nay từ 4 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm.

"Chính người nông dân cũng có thể sản xuất được nguồn phân bón hữu cơ với sản lượng đạt 30 tấn/năm. Mục tiêu đến năm 2030, chúng ta có thể làm ra tới 50 tấn phân bón hữu cơ, hướng tới giảm nguồn phân bón vô cơ độc hại cho nông sản và môi trường". (TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam)

GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu.

“Hiện ngành chế biến phụ phẩm thủy sản của Việt Nam chỉ đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng công nghệ cao, chế biến thành các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm thì có thể thu về 4-5 tỷ USD”, TS Võ Tòng Xuân lưu ý.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, muốn gia tăng hiệu quả sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, cần đổi mới về cơ chế chính sách thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu trang thiết trị, công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi nhằm nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Mặt khác, cần nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới để áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại