Bộ Giao thông vận tải lập 2 tổ công tác kiểm tra giá cước vận tải biển tăng "phi mã"
Hai tổ công tác vừa được Bộ Giao thông vận tải thành lập nhằm kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh...
Theo đó, một tổ công tác gồm 9 người do ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam làm tổ trưởng, sẽ kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh.
Một tổ công tác khác sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại khu vực Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Tổ này gồm 8 người, do ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, làm tổ trưởng.
Hai tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị liên quan để thực hiện kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa đặc biệt khu vực cảng Lạch Huyện, Đình Vũ, Chùa Vẽ tại Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải tại Vũng Tàu và các cảng tại tỉnh Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh.
Dẫn đầu Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn vừa đi kiểm tra tình hình lưu thông hàng hóa trên Quốc lộ 51 và các cảng biển, cảng thủy nội địa khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Báo cáo với Thứ trưởng và Đoàn công tác về công tác phòng, chống Covid-19 tại các cảng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ an toàn phòng, chống Covid-19, thường xuyên rà soát và điều chỉnh các kịch bản, phương án ứng phó khi xảy ra ca nhiễm, nghi nhiễm hoặc F1, F2... để phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.
Để bảo đảm duy trì hoạt động, không làm ách tắc hoạt động vận tải tại khu vực, hiện các doanh nghiệp đều thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Điều này làm phát sinh chi phi rất lớn, ảnh hưởng đến tâm lý người lao động, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.
Vì vậy, các doanh nghiệp cảng đề nghị cấp thẩm quyền xem xét các giải pháp bổ sung bên cạnh mô hình “3 tại chỗ” đang áp dụng hiện nay để các cảng biển chủ động lựa chọn áp dụng tùy theo đặc điểm, tình hình, điều kiện của mỗi cảng.
Hiện nay, website của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải và các cảng vụ cũng đã niêm yết toàn bộ chi phí để doanh nghiệp có thể tham khảo, đảm bảo thị trường vận tải bằng đường biển được công khai, minh bạch ở mức tối đa. Các cảng biển cũng đang áp dụng thu giá dịch vụ ở mức giá sàn, giúp chủ hàng tránh phát sinh chi phí.
Cục Hàng hải hiện đang phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội đàm phán với các hãng tàu để doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có được mức giá vận tải tốt nhất trong thời gian tới.
Gần đây, Hãng tàu lớn thứ ba thế giới CMA-CGM (Pháp) đã quyết định dừng tăng giá cước vận tải container do các thương hiệu của tập đoàn vận hành từ nay đến ngày 1/2/2022, để hỗ trợ chủ hàng nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nói riêng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Trước đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội, sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, giá cước container bằng đường biển đã tăng liên tục từ năm 2020.
Theo tổng hợp của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), đầu năm 2020 giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi Anh là 1.600 USD/container, đến tháng 12/2020 tăng lên 5.000 USD/container, đến tháng 5/2021 là 9.100 USD/container.
Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/container, đến tháng 12/2020 tăng lên 4.000 USD/container, đến tháng 5/2021 tăng lên 8.000 USD/container...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận