menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Trọng Khải

Bỏ gần 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco, ThaiBev nhận lại gì sau 6 năm?

Làn sóng dịch bệnh và khó khăn hiện nay đã gây ra bất lợi lớn cho "ông vua" ngành bia nội địa Sabeco, "dìm" giá cổ phiếu xuống vùng thấp nhất trong lịch sử.

Sabeco Hà Nội tiết kiệm 2,1 tỷ đồng mỗi năm nhờ sản xuất sạch hơnBộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thăm và làm việc tại SabecoTỷ phú Thái thu về 9.300 tỷ cổ tức, ‘viên ngọc quý’ Sabeco giờ ra sao?

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một trong những thương hiệu bia đã quá nổi tiếng tại Việt Nam với gần 150 năm tuổi, chiếm lĩnh tới gần 40% thị phần bia trong nước, tập trung ở thị trường phía Nam. Đây còn là doanh nghiệp niêm yết thuộc tốp đầu về vốn hóa trên thị trường chứng khoán với mã SAB, trị giá trên 73.600 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại.

Chính bởi sức hấp dẫn của mình, năm 2017, Sabeco lọt vào "tầm ngắm" M&A của Tập đoàn ThaiBev - một "ông lớn" trong ngành đồ uống Thái Lan do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sáng lập điều hành. ThaiBev đã không ngần ngại chi ra tới hơn 100.000 tỷ đồng (khoảng gần 5 tỷ USD) để "thâu tóm" 53,59% cổ phần lưu hành của Sabeco, tương đương mức giá 320.000 đồng/cổ phần.

Bỏ gần 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco, ThaiBev nhận lại gì sau 6 năm?
Tập đoàn ThaiBev - một "ông lớn" trong ngành đồ uống Thái Lan do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sáng lập và điều hành

Đến nay, thị trường M&A trong nước vẫn chưa chứng kiến thêm thương vụ gây chấn động nào có giá trị "khủng" như ở Sabeco. Để có thể sáp nhập hãng bia lâu đời và lớn nhất Việt Nam, củng cố lực lượng thống lĩnh thị trường bia Đông Nam Á và vươn ra đấu trường quốc tế, ThaiBev đã phải giải quyết 2 bài toán khó, bao gồm pháp lý và tài chính.

Bằng cách lập ra nhiều công ty tại nước ngoài và Việt Nam với mạng lưới sở hữu nhiều lớp khác nhau, ThaiBev đã vượt qua các rào cản và nghiễm nhiên trở thành công ty mẹ của Sabeco dù theo quy định, tỷ lệ sở hữu vốn (room) dành cho nhà đầu tư ngoại tại hãng bia này chỉ được ở mức tối đa là 49%.

Về bài toán tài chính, tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan quyết định cược lớn vào Sabeco khi "dũng cảm" đi vay đến 99% trong tổng số nguồn vốn gần 5 tỷ USD, trong đó 100 tỷ baht (tương ứng trên 3 tỷ USD) được huy động từ 5 ngân hàng là: Bangkok Bank Public, Bank of Ayudhya, Kasikornbank Public, Krung Thai Bank, Siam Commercial Banka; đồng thời, BeerCo với sự đảm bảo của ThaiBev cũng đứng ra vay 1,95 tỷ USD từ Mizuho Bank và Standard Chartered chi nhánh Singapore.

Tạm tính theo lãi suất cho vay bình quân khoảng 10%/năm, mỗi năm ThaiBev phải chi ra khoảng 500 triệu USD, tương ứng gần 10.000 tỷ đồng để trả lãi cho các nhà băng.

Trên thực tế, từ khi về tay "gã khổng lồ" ngành đồ uống Thái Lan, Sabeco cho thấy sự tăng trưởng đáng kể về kết quả kinh doanh, trong đó doanh thu bán hàng tăng đều đặn từ 30.603 tỷ đồng (2016) lên 34.438 tỷ đồng (2017), 36.043 tỷ đồng (2018) và tăng tiếp lên 38.133 tỷ đồng vào năm 2019.

Cứ ngỡ, mọi việc sẽ tiếp tục diễn ra theo một cách thuận lợi cho người sở hữu "miếng bánh thị phần" béo bở tại thị trường bia Việt. Vậy nhưng, năm 2020, khi Sabeco đứng trước cơ hội chinh phục cột mốc lịch sử 40.000 tỷ đồng về doanh thu thì làn sóng dịch bệnh Covid-19 lại bất ngờ ập tới, gây hệ lụy to lớn cho nền kinh tế và buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu, cắt giảm các hoạt động ăn uống và giải trí.

"Năm Covid thứ nhất", đại dịch đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ngành bia nói chung và Sabeco nói riêng, lượng tiêu thụ giảm sút kéo theo doanh thu bán hàng của "ông vua" bia nội địa sụt giảm xuống 28.135 tỷ đồng, thấp hơn 26% so với cùng kỳ; cùng với đó, phải rất nỗ lực giảm tải chi phí, lợi nhuận Sabeco mới có thể neo ở ngưỡng 4.936 tỷ đồng, chỉ giảm 8% so với kết quả năm 2019.

Sóng gió chưa dừng lại ở đó, 2020 còn là năm thêm nhiều khó khăn khác khiến doanh nghiệp này hứng chịu ảnh hưởng nặng nề. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã không còn ai nhắc tới sự hiện diện của đại dịch Covid-19, tuy nhiên những tàn dư của "cơn bão" lịch sử chưa hoàn toàn được dọn dẹp, khó khăn vẫn chưa hết.

Là "ông vua" ngành bia Việt, kết quả kinh doanh của Sabeco không nằm ngoài xu hướng chung, trong 5 quý gần nhất từ quý IV/2022 - quý IV/2023, doanh thu bán hàng nối tiếp giảm lần lượt 21%, 18%, 31%, 22% và 8%. Kinh doanh bế tắc vừa ảnh hưởng đến "túi tiền" của doanh nghiệp và các nhà đầu tư của Sabeco.

Trong quá khứ, SAB là một trong số cổ phiếu blue-chip được yêu thích bậc nhất thị trường bởi cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, nhưng vài năm trở lại đây, giới đầu tư lại tỏ ra khá ngán ngẩm với cổ phiếu này khi không còn giữ được vị thế từng có. Song song với những báo cáo tài chính ảm đạm, là chuỗi ngày giảm điểm không hồi kết của cổ phiếu từng được ThaiBev định giá tới 320.000 đồng.

Giá trị cổ phiếu SAB giảm triền miên và hiện đang lùi về vùng thấp nhất kể từ khi lên sàn. Với 56.900 đồng (giá sau điều chỉnh cổ tức và thưởng cổ phiếu) nhà đầu tư có thể tích lũy cho mình 1 cổ phiếu của hãng bia lâu đời nhất Việt Nam và con số này chỉ xấp xỉ 18% mức giá vị tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan phải bỏ ra cách đây hơn 6 năm về trước. Như vậy, từ khi chính thức nắm quyền chi phối Sabeco tới nay, phía ThaiBev đang lỗ khoảng 3,5 tỷ USD, tương đương 70% giá trị khoản đầu tư ban đầu.

"Đại gia" ThaiBev tạm lỗ không phải vấn đề quá lớn, bởi họ "thâu tóm" Sabeco để phục vụ chiến lược dài hạn, là chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam và tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á và cả châu Á. Thua lỗ nhưng trong một cuộc họp báo tại Thái Lan vào tháng 9/2022, đại diện lãnh đạo ThaiBev vẫn tự hào nói rằng Sabeco là "viên ngọc quý", một tài sản hiếm có trong số những nhà sản xuất bia ở khu vực Đông Nam Á mà tập đoàn có được.

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư chứng khoán, những người đang tuyệt đối tin tưởng vào khả năng phát triển của Sabeco trong tương lai có thể mang tới kỳ vọng tăng giá cho cổ phiếu, lại chẳng thể giữ bình tĩnh và sự lạc quan như ban lãnh đạo ThaiBev.

Xét từ thời điểm tháng 3 năm ngoái, cổ phiếu SAB đã lao dốc không phanh, chia đôi thị giá từ vùng trên 92.000 đồng xuống còn 56.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Thậm chí, nếu so với mức đỉnh thiết lập hồi cuối năm 2017 từ hiệu ứng ThaiBev chính thức trở thành công ty mẹ của Sabeco, mức lỗ của cổ đông khi đó còn đang cao hơn rất nhiều lần.

Dù có nhận được khoản cổ tức đều đặn từ Sabeco trong suốt các năm qua, thế nhưng vẫn chẳng thấm tháp vào đầu so với tỷ lệ "mất mát" mà các nhà đầu tư phải chịu. Ngay cả trong trường hợp của ThaiBev, thông qua thành viên Vietnam Beverage, số tiền tổng cộng gần 9.300 tỷ đồng cổ tức đã được chảy về túi "đại gia" Thái Lan với tỷ lệ sở hữu tương ứng hàng trăm triệu cổ phiếu SAB, từ năm 2017 đến nay.

Vậy mà, chẳng những "bé hạt tiêu" so với con số gần 3,5 tỷ USD mà họ đang tạm lỗ, số cổ tức này còn chưa đủ để ThaiBev thanh toán lãi vay trong vòng 1 năm cho khoản đầu tư 5 tỷ USD ban đầu vào Sabeco, nếu tính theo lãi suất cho vay bình quân 10%/năm.

Bỏ gần 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco, ThaiBev nhận lại gì sau 6 năm?
Xét từ thời điểm tháng 3 năm ngoái, cổ phiếu SAB đã lao dốc không phanh, chia đôi thị giá từ vùng trên 92.000 đồng xuống còn 56.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.

Xét từ thời điểm tháng 3 năm ngoái, cổ phiếu SAB đã lao dốc không phanh, chia đôi thị giá từ vùng trên 92.000 đồng xuống còn 56.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.

Tựu chung, cổ phiếu SAB đang thiếu những động lực để kỳ vọng vào tương lai, trong khi trên thị trường chứng khoán, kỳ vọng của nhà đầu tư luôn là yếu tố quan trọng dẫn dắt giá cổ phiếu.

Dành cho những nhà đầu tư lạc quan, trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định rằng viễn cảnh thay đổi chính sách sẽ không diễn ra trong “một sớm một chiều”. Dẫn chứng tại Trung Quốc, SSI Research cho biết Chính phủ nước này áp dụng các quy định khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia đã chững lại đáng kể.

Vì vậy, có cơ sở vững chắc để cho thấy mức tăng trưởng tiêu thụ bia ở Việt Nam có thể chậm lại trong tương lai dài hạn. Ít nhất trong thời điểm hiện tại, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần lưu ý kỹ đến chi tiết đáng tham khảo này khi đưa ra bất cứ quyết định đầu tư nào vào cổ phiếu ngành bia rượu nói chung, hay cổ phiếu SAB của Sabeco nói riêng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại