menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Liên

Bộ Công Thương: Xuất nhập khẩu lấy lại đà tăng trưởng, nhưng còn chậm

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước.

Suy giảm xuất khẩu ngày càng được thu hẹp

Theo Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2023 của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước đạt 617,4 tỷ USD, tăng 14,3%), trong đó xuất khẩu giảm 7,1% (cùng kỳ đạt 313,5 tỷ USD, tăng 16,2%); nhập khẩu giảm 12,3% (cùng kỳ đạt 303,9 tỷ USD, tăng 12,4%). Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD.

Sau mức sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 9 (giảm 6,3%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,82 tỷ USD, tăng 5,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 5,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,09 tỷ USD, giảm 4,1%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 214,19 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73,5%.

Trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022, trong đó:

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có sự phục hồi tích cực trong tháng 10 với kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 247,34 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước (05/7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm), như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 12,6% (đạt 44,02 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,1% (đạt 35,51 tỷ USD); hàng dệt may giảm 12,5% (đạt 27,8 tỷ USD); giày dép các loại giảm 20,2% (đạt 16,05 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,9% (đạt 10,8 tỷ USD). Trong nhóm này, chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 0,7% (ước đạt 47 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 18,1% (ước đạt 11,58 tỷ USD). Trong khi đó, mặc dù xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…, đã có tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung đà phục hồi còn chậm.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 10/2023 giảm 51,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ ước đạt 3,27 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều… Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 3,8%. Nổi bật trong nhóm này là mặt hàng hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 700 triệu USD, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 10 tháng đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là mặt hàng gạo, mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm 1,8% trong tháng 10 nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 10 tháng, xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, tăng 17% và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 2%; thị trường châu Âu giảm 7,2%; thị trường châu Mỹ giảm 15,8%; thị trường châu Phi tăng 6,1%; châu Đại dương giảm 6,5%).

Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 8,7%, ước đạt 6,7 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 6,1% cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.

Nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,36 tỷ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,95 tỷ USD, tăng 2,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười tăng 5,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 95,08 tỷ USD, giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 171,59 tỷ USD, giảm 13,3%.

Trong 10 tháng năm 2023 có 41 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,4%).

Một trong những điểm tích cực trong tháng 10 là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước, ước đạt 26,09 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 89% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, cho thấy những dấu hiệu trong phục hồi trong sản xuất công nghiệp. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, tăng tới 26,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2,4%; vải các loại tăng 8%, thép các loại tăng 35,2%; xăng dầu các loại tăng 44,8%...

Tuy nhiên, do những khó khăn về thị trường xuất khẩu, sự sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm, cùng với việc giá nguyên liệu hạ nhiệt đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng. Tính lũy kế 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt gần 236 tỷ USD). Ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,8% (ước đạt 71,02 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 60,4%; sắt thép các loại giảm 17,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 10,5%; vải các loại giảm 14,2%...

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 18% trong 10 tháng năm 2023, ước đạt 15,17 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: rau quả, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, phế liệu sắt thép, ô tô, đá quý, kim loại quý và sản phẩm…

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng năm 2023: Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,7 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 43,1 tỷ USD, giảm 18,6%; thị trường ASEAN ước đạt 33,46 tỷ USD, giảm 14,9%; Nhật Bản ước đạt 17,56 tỷ USD, giảm 11,1%; thị trường EU ước đạt 15,6 tỷ USD, giảm 2,6%; Hoa Kỳ ước đạt 11,47 tỷ USD, giảm 6,9%.

Những giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại