menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Duy Công

Bộ Công Thương giữ đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

Điều hành giá xăng dầu qua nhiều bước, chưa theo thị trường nên Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp tự tính theo các yếu tố Nhà nước công bố.

Tại hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 3 gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương giữ quan điểm như tại bản thảo hồi tháng 4, là Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước. Thay vào đó, doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.

Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu). Dựa trên dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, để tính giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này, riêng tại vùng sâu, vùng xa và hải đảo được cộng thêm 2%. Điểm mới là họ sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.

Việc thay đổi này, theo Bộ Công Thương xuất phát từ thực tế cơ chế điều hành giá hiện nay chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường, phải qua quá nhiều bước. Quy định hiện hành là Bộ Tài chính hướng dẫn cách xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở, điều chỉnh các khoản chi phí, lợi nhuận định mức dựa trên báo cáo của doanh nghiệp đầu mối, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hàng quý. Sau đó, họ thông báo cho Bộ Công Thương để tính giá cơ sở bán lẻ. Giá này được công bố 7 ngày một lần, là mức trần để các doanh nghiệp xác định giá bán trong hệ thống. Ví dụ, kỳ điều hành ngày 11/7, Nhà nước công bố RON 95 -III tối đa 23.294 đồng một lít, thì doanh nghiệp chỉ được bán ra bằng hoặc thấp hơn mức này.

Khác bản thảo đưa ra trước đây, lần này Bộ Công Thương không đề xuất mức cụ thể với chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức doanh nghiệp được cộng vào giá bán lẻ (1.800-2.000 đồng một lít hoặc 4-20%). Thay vào đó, nhà chức trách sẽ công bố định mức gốc ban đầu của chi phí lưu thông, rà soát 3 năm một lần. Sau đó, doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh các chi phí này hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Còn lợi nhuận định mức vẫn cố định ở 300 đồng một lít, kg xăng dầu.

Các khoản chi phí khác như vận tải, bảo hiểm, hao hụt, bốc dỡ... được cơ quan quản lý đưa ra 3 tháng một lần, trước ngày 20 của tháng thứ 3, trừ khi biến động bất thường cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải gửi báo cáo đã kiểm toán độc lập về số liệu các khoản chi phí này của 3 tháng trước đó lên Bộ Công Thương.

Hệ thống phân phối xăng dầu hiện tồn tại các loại hình, gồm thương nhân đầu mối, phân phối và đại lý bán lẻ, nhượng quyền. Với thương nhân phân phối, dự thảo lần này Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Phương án 1, doanh nghiệp phân phối chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán chéo của nhau. Phương án 2 giữ như hiện tại, tức là họ được mua bán lẫn nhau.

Bộ này nêu quan điểm không nên cho phép đơn vị phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau, tức chọn phương án 1. Việc này nhằm tránh mua chéo, tạo trung gian, thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết số lượng thương nhân phân phối xăng dầu tăng nhanh tạo thêm nguồn hàng, đa dạng hệ thống, nhưng cũng phát sinh bất cập. Chẳng hạn, thương nhân phân phối mua hàng của nhau gây khó khăn trong kiểm soát, có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Song, khi góp ý về dự thảo, các doanh nghiệp cho rằng quy định này hạn chế cạnh tranh trên thị trường, quyền kinh doanh của họ.

Cũng theo dự thảo, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, lượng tồn kho. Họ cũng phải đáp ứng quy định về kinh nghiệm trong lĩnh vực này để được cấp phép. Chẳng hạn, thương nhân phân phối muốn nâng lên làm đầu mối phải hoạt động liên tục trong ít nhất 36 tháng.

Dự thảo mới cũng giữ quan điểm tiếp tục cho đầu mối được phép thuê kho chứa nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện. Cơ quan quản lý sẽ có giải pháp kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm nhằm tránh trục lợi chính sách. Tuy nhiên, để được cấp phép kinh doanh doanh nghiệp đầu mối phải đáp ứng tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn một năm. Nguồn này tính trên lượng xăng dầu nhập khẩu, mua từ nhà máy lọc dầu trong nước, tự pha chế, không phải mua bán qua lại giữa các đầu mối.

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, dự thảo Nghị định nêu cụ thể trường hợp chi quỹ, khi giá thị trường biến động bất thường, tác động lớn đến kinh tế-xã hội hoặc tình trạng khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh).

Năm ngoái, Việt Nam tiêu thụ khoảng 27 triệu m3, tấn xăng dầu các loại, trong đó hai nhà máy lọc dầu trong nước cung ứng khoảng 70%, còn lại 30% nhập khẩu từ các thị trường như Hàn Quốc, Singapore...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả