Blog chứng khoán: Trụ mất đà, cổ phiếu đang bị bán nhiều hơn
Hệ số tăng/giảm trên cổ phiếu nghiêng về phía giảm dù chỉ số vẫn tiếp tục treo cao. Mốc 1k vượt hay không không quan trọng bằng nhà đầu tư hành xử thế nào...
Thị trường ngày 23/8/2019:
Diễn biến giảm trọn ngày hôm nay là do các trụ mất đà. Trừ VIC, các trụ khác gặp cản và bị bán nhiều đẩy giá giảm. Thanh khoản và hệ số tăng/giảm yếu đi mới là điều cần lo.
Kể từ phiên ngày 15/8 tới giờ, mức tăng giá là không đáng kể. VN30 chỉ có 12 mã tăng được trên 1%. Mức tăng này chỉ mang tính dao động và nhiều mã retest lại ngưỡng kháng cự quan trọng. VNI kiểm tra lại tương đương đỉnh 1.000 hồi cuối tháng 7 nhưng đa số cổ phiếu có đỉnh thấp hơn. Điều này sẽ tạo sự phân kỳ trong các chỉ báo kỹ thuật và là một tín hiệu không tốt.
Điểm nữa là dòng tiền ở nhịp retest này thấp hơn đáng kể hồi tháng 7 cho thấy sự đồng thuận trong suy nghĩ cũng không đủ tốt. Tháng 7 có nhiều lý do để thuyết phục nhà đầu tư đổ tiền vào mạnh, trong khi hiện tại thị trường còn chưa rõ chỉ là một nhịp retest kỹ thuật thông thường, hay sẽ bùng nổ để nối tiếp xu hướng.
Hôm nay vốn nội thuần tiếp tục giảm xuống 2,4k tỷ. Cũng cần nhớ là các phiên tạo đỉnh tháng 7 vốn nội thuần đạt đỉnh trong khoảng 3,2-3,5k tỷ. Sự chênh lệch này thể hiện rõ vòng quay tiền đang chậm lại. Nhà đầu tư hoặc là đứng ngoài, hoặc chỉ tham gia một phần tiền ở nhịp hồi.
Yếu tố thứ ba là nhịp đi lên tháng 7 khối ngoại mua ròng, còn từ đầu tháng 8 tới nay là bán ròng. Có một điều cần làm rõ, là vốn ngoại hay được nhìn theo ý muốn chủ quan. Ví dụ, khi khối ngoại mua ròng thỏa thuận lớn đẩy tổng giao dịch mua ròng lên thì suy luận phổ biến là "tiền nào chả là tiền, cứ vào ròng là được". Nhưng khi nước ngoài bán ròng mạnh qua thỏa thuận thì suy luận lại là "đó là giao dịch riêng lẻ được sắp xếp trước".
Giao dịch của khối ngoại quan trọng nhất là khớp lệnh cổ phiếu, vì khớp lệnh ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, từ đó ảnh hưởng tới các chỉ số. Trong 4 tuần gần nhất và đặc biệt từ đầu tháng 8 tới giờ, nước ngoài xả khoảng 1.882 tỷ. Ngoài ra, trong 5 tuần gần nhất, quỹ ETF nội bị bán ròng gần 404 tỷ nữa. Ở chiều tăng từ đầu tháng 6 đến khi đạt đỉnh cuối tháng 7, nước ngoài mua ròng 2.127 tỷ.
Các yếu tố trên không khẳng định rằng thị trường sẽ không thể đi lên cao hơn trong ngắn hạn, mà là thể hiện những khó khăn của thị trường lúc này lớn hơn nhiều thời điểm tháng 7. Vì vậy thị trường cần một động lực đủ lớn để đi tiếp, nếu không nhà đầu tư còn cổ phiếu sẽ ưu tiên cắt giảm danh mục vì cơ hội lúc này nhỏ hơn rủi ro có thể xuất hiện.
Thực tế nhịp tăng hiện tại là cơ hội lặp lại đối với các nhà đầu tư chưa chốt lời hồi tháng 7 và đương nhiên là cơ hội quá tốt đối với các giao dịch bắt đáy thành công. Thị trường được xem là tăng nhờ đẩy chỉ số lên nhưng không phải cổ phiếu có thể hòa vốn hay có lợi nhuận bù lại phần đã mất trước đó. Nói cách khác, quan điểm về rủi ro/lợi nhuận lúc này không giống với tháng 7 nữa.
Chốt lại, thị trường vẫn đang ngập ngừng ở mức kháng cự tâm lý, vượt được hay không không quan trọng bằng vượt như thế nào. Kéo trụ là việc dễ, nhưng tạo lòng tham và thuyết phục mới khó. Tiếp tục bỏ qua thị trường cơ sở, canh Short phái sinh.
"Blog chứng khoán" mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận