Blackstone vỡ nợ trái phiếu trị giá hơn 500 triệu USD
Blackstone đã vỡ nợ lô trái phiếu được đảm bảo bằng thế chấp thương mại (CMBS) trị giá hơn 500 triệu USD.
Blackstone hiện là quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, với khối tài sản dưới quyền quản lý (AUM) 975 tỷ USD vào ngày 31/12/2022. Blackstone có danh mục đầu tư rộng khắp nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản, đầu tư tư nhân, tín dụng và bảo hiểm.
Theo thông báo ngày 02/03, trái phiếu của Blackstone đã đáo hạn và chưa được thanh toán cho trái chủ, buộc công ty xử lý nợ Mount Street phải xác định là vỡ nợ.
Lô trái phiếu của Blackstone được đảm bảo bằng thế chấp thương mại (CMBS) trị giá 531 triệu EUR (562,5 triệu USD). Lô trái phiếu này có tài sản đảm bảo là một loạt văn phòng và cửa hàng thuộc sở hữu của Sponda, một doanh nghiệp đầu tư bất động sản có trụ sở tại Phần Lan.
Blackstone đã thâu tóm Sponda vào năm 2018. Gã khổng lồ này đang muốn đàm phán với trái chủ để kéo dài thời hạn thanh toán nhằm bán tài sản và trả nợ. Tuy nhiên, các trái chủ không chấp nhận đề xuất trên.
“Số trái phiếu này liên quan đến một phần nhỏ trong danh mục đầu tư của Sponda. Chúng tôi thất vọng vì bên phụ trách xử lý nợ đã không nhanh chóng đưa ra đề xuất này trước. Chúng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào danh mục đầu tư cốt lõi của Sponda và đội ngũ quản lý của họ”, Blackstone cho biết trong một thông báo.
Số trái phiếu trên từng bị Fitch Ratings hạ xếp hạng hồi tháng 12/2022, vì cho rằng triển vọng kinh tế vĩ mô yếu ớt và khẩu vị cho vay giảm đối với các tài sản thứ cấp kém thanh khoản đang tạo ra thách thức đáng kể cho việc tái cấp vốn.
Số trái phiếu trên do Citigroup và Morgan Stanley bảo lãnh, ban đầu được bảo đảm bằng 45 tòa nhà tại Phần Lan, chủ yếu là văn phòng. Nhưng Blackstone đã bán bớt khoảng 16 tòa nhà để trả gần một nửa số trái phiếu trên, và tại thời điểm bị hạ xếp hạng, họ có dư nợ chưa thanh toán là 297,1 triệu EUR, theo Fitch.
Các toà nhà văn phòng của Sponda còn trống khoảng 45%. Các quy định hạn chế đi lại cản trở nỗ lực bán hàng của Blackstone, trước khi xung đột ở Ukraine xảy ra và gây nên một làn sóng biến động mới.
Giá trị bất động sản đang giảm ở châu Âu do lãi suất tăng khiến người mua không muốn mua cho đến khi có một tầm nhìn rõ ràng hơn về lãi suất. Bắc Âu là khu vực đầu tiên diễn ra quá trình điều chỉnh giá bất động sản ở châu Âu. Điều đó dẫn đến khoảng cách lớn giữa giá mua và giá chào bán, làm giảm khối lượng giao dịch và gây áp lực lên những chủ sở hữu bất động sản đang có các khoản vay sắp đáo hạn.
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Scope Ratings vào tháng 01/2023, khoảng 1/3 khoản vay dưới dạng trái phiếu thế chấp bằng bất động sản thương mại đáo hạn vào năm 2023 và năm 2024 sẽ phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn cao.
Tâm lý lo ngại về việc giá bất động sản có thể giảm sâu hơn đang khiến những người cho vay thúc đẩy việc bán nhà nhanh hơn, trong khi những người đi vay muốn có nhiều thời gian hơn để tìm kiếm giá mua cao hơn cho tài sản của họ.
Tại Mỹ, nơi mà giá bất động sản giảm nghiêm trọng hơn và lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, các chủ sở hữu như Columbia Property Trust và Brookfield Corp. cũng đã vỡ nợ đối với các khoản vay thế chấp. Nguyên nhân là thị trường văn phòng tại Mỹ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi xu hướng làm việc tại nhà do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ngoài vấn đề trái phiếu, quỹ BREIT chưa niêm yết trị giá 71 tỷ USD của Blackstone cũng đang trong tình trạng khó khăn. Ngày 01/03, BREIT cho biết họ buộc phải hạn chế rút tiền trong tháng thứ tư liên tiếp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận