Bình thường mới
Covid và chỉ số chứng khoán có quan hệ rất thú vị. Mỗi khi có tin xấu về Covid, như một đợt bùng phát mới, thi ngay lập tức chứng khoán lao dốc. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, chỉ số chứng khoán lại hồi phục như trước khi có tin xấu, rồi tiếp tục vượt qua mức đó và lên rất cao, cao hơn rất nhiều so với trước khi bùng dịch.
Chuyện này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn đúng ở nhiều nước khác trên thế giới. Nếu bạn quan sát chỉ số chứng khoán tại Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Hàn, Nga, Malaysia, Ấn Độ, Nam Phi, Singapore… thì đều thấy hiện tượng này. Đa số các chỉ số chứng khoán ở các nước này sụt mạnh vào đầu năm 2020 khi bắt đầu đại dịch, sau đó tăng mạnh trong giai đoạn cuối 2020 và đầu 2021. Mức cao nhất cao hơn rất nhiều so với trước khi có dịch và dường như cao hơn hẳn so với xu hướng tăng trung bình của giai đoạn trước 2020.
Đương nhiên, cũng có quốc gia mà chỉ số chứng khoán chỉ hồi phục lại như trước dịch mà không vượt hẳn lên như Anh, Indonesia, Brazil, Chile, Colombia, Thailand, Trung Quốc…
------------------
Một hiện tượng như vậy khó có thể là ngẫu nhiên mà dường như có nguyên nhân đứng sau. Nguyên nhân đó được nhiều người lý giải là do tỷ lệ tiết kiệm trên tổng thu nhập tăng mạnh.
Có một giả thuyết thế này. Đại dịch khiến cho một số lao động mất việc làm, mất thu nhập, nhưng cũng có một số không nhỏ khác mà thu nhập không bị thay đổi (dựa trên nguyên tắc sticky wage). Những người này giảm chi tiêu, vì không còn được đi du lịch, không được đi xem phim, đi ăn hàng, không còn cần đi ra ngoài nên không cần sắm quần áo đẹp, không cần mua xe đẹp… Thu nhập không giảm mà tiêu dùng giảm thì tiền dư ra thành tiền tiết kiệm. Có 4 kênh giữ tiền tiết kiệm lớn trong nền kinh tế là bất động sản, ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.
Lý thuyết này có vẻ đúng ở Việt Nam, vì trong 2 năm qua chúng ta thấy lãi suất ngân hàng giảm, chứng khoán và bất động sản tăng giá mạnh, còn các doanh nghiệp bảo hiểm thì tăng trưởng trung bình hơn 20% mỗi năm.
-----------------------
Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở việc tỷ lệ tiết kiệm tăng một cách tự nhiên như vậy thì có lẽ không cần quá lo lắng. Nhưng chứng khoán và bất động sản có một đặc điểm nguy hiểm là nó tạo kỳ vọng (nhiều khi sai lệch).
Nếu ban đầu, chứng khoán và bất động sản tăng là do tỷ lệ tiết kiệm tăng thì sau đó, đà tăng này kéo kỳ vọng lên, rồi hút thêm tiền và tiếp tục tăng cho đến khi nó vỡ.
Ở Việt Nam, nó còn nằm trong bối cảnh chúng ta nới lỏng các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Điều này tạo sự cộng hưởng giữa trái phiếu doanh nghiệp và tăng giá bất động sản. Như cách mà các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao lên đến 12%, thậm chí gần 20% như thời gian qua.
---------------------
Mình chưa tính toán con số cụ thể, nhưng nếu nhìn qua đồ thị thì thấy, trong các quốc gia có chỉ số chứng khoán tăng mạnh như liệt kê trên, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng mạnh nhất. Có thể là do cách chống dịch riêng có của Việt Nam khiến tỷ lệ tiết kiệm tăng cao hơn nước khác, nhưng cũng có thể là do kỳ vọng đã tăng đến mức lệch lạc. Không ai dám chắc lý do vì sao.
Nhưng khi dịch đi qua thì chắc chắn tỷ lệ tiết kiệm sẽ giảm dần. Người ta có cơ hội tiêu tiền vào nhà hàng, du lịch, đi lại, quần áo đẹp… thì tỷ lệ tiết kiệm sẽ giảm về mức ổn định trước đây. Do đó, giá chứng khoán và bất động sản chắc chắn sẽ hạ cánh. Vấn đề bây giờ là hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm.
----------------------------
Đứng từ góc độ chính sách, lời khuyên cơ bản rằng nên kiểm soát để chứng khoán và bất động sản không tăng quá mạnh khi nó đang trên đà tăng là giải pháp tốt nhất. Có lẽ, trong hai năm qua, khi mọi thứ đang trên đà tăng, các cơ quan chức năng đã không chủ động kiểm soát được vấn đề, mà để nó bùng to quá.
Nhưng nghĩ lại cũng khó tránh, đến ngay cả Uỷ ban Chứng khoán thì đợt này cũng bị xử lý kỷ luật vì đã để cho một số nhà đầu tư thao túng thị trường cơ mà. Nếu đã vậy thì làm sao còn mong cơ quan này làm tốt nhiệm vụ giám sát thị trường khi nó trên đà tăng nữa.
--------------------------
Thôi, chuyện tăng quá mức đã qua rồi. Bây giờ xem phải hạ cánh thế nào, cứng hay mềm. Dường như Chính phủ cũng lo và đang tìm cách ngăn thị trường hạ cánh cứng. Nhưng cũng chẳng có giải pháp nào phù hợp ngoài những lời tuyên bố.
Nhưng biết đâu đấy, hạ cánh hay mềm cũng không biết cái nào tốt hơn cái nào. Vì một số nhà kinh tế học sau khi chạy hồi quy các trường hợp đổ vỡ trước đây trên thế giới, đã chỉ ra rằng dường như những vụ hạ cánh cứng lại giúp cho nền kinh tế phục hồi sau đó nhanh hơn là hạ cánh mềm. Nhưng đó là từ góc độ kinh tế thuần tuý, chứ từ góc độ chính trị, các chính trị gia sẽ dễ mất chức hơn khi để hạ cánh cứng. Nên họ cũng phải cố gắng làm gì đó là đúng thôi.
--------------------------
Những vụ bắt bớ và kỷ luật thời gian qua giống như chọc cái kim vào quả bóng đang căng, hơn là việc xì hơi nó. Mình đã post ở tút trước, bạn nào muốn có thể kéo xuống để đọc, vụ bắt Trịnh Văn Quyết thì hợp lý, vì đó thực sự là hành vi thao túng có hại. Nhưng mình chưa bị thuyết phục trong vụ bắt Tân Hoàng Minh.
Bây giờ mình chỉ mong, những gì diễn ra ngày hôm nay không khiến Việt Nam nhảy từ thái cực này sang thái cực khác, không phải vì nó mà đi ngược lại xu hướng đúng đắn. Không phải vì những vụ thế này mà sau này thấy tội phạm kinh tế lại không bắt nữa. Thấy tội phạm thì vẫn phải bắt, nhưng hãy làm có tính toán hơn, nhất là các thông điệp phát đi cho thị trường. Không phải vì những vụ thế này mà đi ngược lại xu hướng tự do hoá thị trường tài chính, như thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chính sách vẫn cần phải tự do hoá, nhưng chúng ta có kinh nghiệm hơn để gắn tự do hoá với các biện pháp giám sát chặt chẽ, minh bạch thông tin và cảnh báo tốt.
Nhưng quan trọng hơn, mình mong cơ quan giám sát thị trường phải mạnh và sạch. Vì nếu không, thì mọi thứ chính sách bàn luận cũng chỉ là nói cho vui mà thôi.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận