Bình Phước rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án giải ngân chậm
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn đạt thấp, có những địa phương mới chỉ giải ngân đạt hơn 16%.
Năm 2022, tổng vốn đầu tư công của Bình Phước đã điều chỉnh (giữa năm 2022) là 7.481 tỷ đồng, tuy nhiên mới chỉ giải ngân được hơn 3.744 tỷ đồng, đạt 50,5% Chính phủ giao và đạt 50,1% tỉnh giao.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giao Bình Phước mới chỉ giải ngân được 36,2% kế hoạch. Đặc biệt nguồn vốn nước ngoài (ODA) Bình Phước được giao 68,9 tỷ đồng, nhưng 10 tháng năm 2022 vẫn chưa giải ngân; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia mới chỉ giải ngân 8,5% kế hoạch.
UBND tỉnh Bình Phước cho biết một số huyện trên địa bàn có tỷ lệ giải ngân đạt khá như: Huyện Đồng Phú đạt 74,3%; huyện Bù Đốp đạt 69,5%; huyện Bù Đăng đạt 61,1%... Trong khi một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như thị xã Bình Long đạt 16,8%; thị xã Phước Long đạt 32,9%...
“Vốn ngân sách Trung ương giao 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân thấp, mới chỉ đạt 8,5%, điều này cho thấy công tác giải ngân dẫm chân tại chỗ, chưa được cải thiện, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công”, UBND tỉnh Bình Phước đánh giá.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, nguyên nhân khiến vốn đầu tư công trên địa bàn đạt thấp là do vốn đầu tư từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn (63,3%) trên tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh; đến nay thu tiền sử dụng đất khối tỉnh đạt thấp (30%), nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và giải ngân vốn các dự án.
Bên cạnh, do biến động tăng giá vật tư, nguyên nhiên, vật liệu trên thị trường làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và lập dự toán các dự án; thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là từ khâu thẩm định trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán cho đến khâu lựa chọn nhà thầu mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện…
Đối với vốn phân cấp các huyện, thị xã, thành phố bố trí còn dàn trải, quá nhiều công trình, quy mô dự án nhỏ; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của nhiều dự án còn vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công; công tác phối kết hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ban, ngành và các địa phương chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án kéo dài; trách nhiệm của các sở quản lý chuyên ngành chưa cao trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các dự án do ngành quản lý, theo dõi.
UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, điều chỉnh ngay kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm, dự án đang vướng về thủ tục đầu tư sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vẫn theo thẩm quyền được giao. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của địa phương.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ 3 tổ công tác của UBND tỉnh, theo dõi, chỉ đạo từng dự án, từng nguồn vốn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu tại các sở, ban, ngành và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng đề đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận