Bình ổn vàng “bằng mọi giá” có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, lạm phát
“Nhẩy múa”, “động thái đột phá lạ”, “nhiều cái nhất chưa từng có”, “diễn biến bất thường”… là những cụm từ các chuyên gia kinh tế miêu tả về thị trường vàng thời gian qua. Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần thận trọng, tính toán đa chiều khi bình ổn giá vàng, bởi nếu bằng mọi giá có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát.
Vàng tăng nóng gây hệ lụy đến nền kinh tế
Tại cuộc hội thảo bàn về diễn biến thị trường giá cả những tháng đầu năm và dự báo cuối năm, giá vàng một lần nữa lại “nóng” lên. Dù không phải là mặt hàng phản ánh chỉ số giá tiêu dùng, nhưng việc tăng nóng của giá vàng cũng gây hệ lụy đến tâm lý người dân và nền kinh tế.
Theo PGS. TS. Võ Thị Vân Khánh - Khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Tài chính, những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thị trường vàng trong nước đã và đang ghi nhận những động thái đột phá lạ, với nhiều cái nhất chưa từng có. Đó là, giá vàng lập đỉnh cao nhất mọi thời đại; chênh lệch cao nhất giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, giá vàng SJC với giá vàng các thương hiệu khác, cũng như giá vàng bán ra-mua vào; biên độ tăng giảm giá trong ngày lớn nhất từ trước đến nay...
Mua bán vàng phải xuất hóa đơn điện tử
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý thuế qua hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đến các cơ sở kinh doanh vàng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 15/6/2024, các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh mua bán vàng nếu không thực hiện lập hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế PGS, TS. Ngô Trí Long nhận định, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng trong nước diễn biến tăng bất thường. Biến động tăng giá vàng xảy ra có những thời điểm liên tiếp nhau. Thậm chí, có những ngày giá vàng leo dốc một cách thẳng đứng, biên độ thay đổi giá rất lớn qua mỗi lần tăng. Có thời điểm tăng 2 triệu đồng, rồi giảm sốc 3 triệu đồng/lượng. Giá mua - giá bán cách nhau 3 - 4 triệu đồng/lượng, trong ngày mức giá thay đổi đến 20 lần.
Trong “cơn sốt” của thị trường vàng những ngày đầu tháng 3/2024, khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới có thời điểm lên đến hơn 20 triệu đồng/lượng. Bất chấp giá vàng lên cao nhất lịch sử, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xảy ra cảnh nhiều người đội nắng, xếp hàng chen chúc chờ mua vàng.
Thị trường vàng bất ổn, giá vàng diễn biến tăng bất thường là cụm từ được nhắc đến.
Nguyên nhân đó là do giá vàng thế giới tăng mạnh, có thời điểm tăng đến 2.413,8 USD/ounce. Trong nước, do mất cân đối cung – cầu, khi sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao. Về cung vàng, trong hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được nhập khẩu vàng. Cầu tăng cao một phần “lướt sóng”, phần khác là nhu cầu tích lũy.
Trả việc kinh doanh vàng cho thị trường
Trước những biến động khó lường của thị trường vàng trong nước và thế giới, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, công điện, chỉ thị và các văn bản có liên quan về các giải pháp bình ổn, quản lý thị trường vàng. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đánh giá tổng thể, toàn diện về thị trường vàng trong nước và công tác quản lý Nhà nước về thị trường vàng.
Việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng cũng đã được thực hiện. Từ tháng 2/2024 đến nay, Chính phủ liên tiếp đưa ra thông báo yêu cầu xử lý ngay chênh lệch giá vàng miếng.
Doanh nghiệp mua bán vàng phải lập hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế. Ảnh TL
Động thái quyết liệt của Chính phủ đã góp phần đưa giá vàng giảm mạnh. Tuy nhiên, thời gian tới, theo các chuyên gia kinh tế, cần phải có đồng bộ các giải pháp để bình ổn thị trường vàng.
“Bình ổn thị trường về bản chất là bình ổn giá bởi trên thị trường, giá cả là tín hiệu, là hàn thử biểu phản ánh thực trạng của thị trường. Nước ta không sản xuất vàng nguyên liệu, phải nhập khẩu vàng để đảm bảo cân đối cung cầu. Do vậy, giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới. Bình ổn thị trường vàng đồng nghĩa giá vàng trong nước phải theo sát và liên thông với giá vàng thế giới”- PGS, TS. Ngô Trí Long nhận định.
Việc NHNN bán vàng bình ổn ra thị trường thông qua Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh từ ngày 3/6/2024 đến nay đã kéo gần chênh lệch giữa vàng miếng SJC trong nước và thế giới, kéo giảm gần 20 triệu đồng/lượng so với thời gian trước.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần thận trọng, tính toán đa chiều khi bình ổn giá vàng, bởi nếu bình ổn giá vàng bằng mọi giá thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát. Vì vậy, NHNN cũng nên xem xét đến những phương án khác hiệu quả hơn.
Theo kinh nghiệm của một số nước như Mỹ và Châu Âu ở thời điểm giá vàng căng thẳng thì người dân không được giữ vàng vật chất mà chỉ được giữ chứng chỉ vàng và gửi vàng ở ngân hàng trung ương. Ngân hàng có thể trả lãi suất cho người gửi vàng. Tuy nhiên, đây là một phương án Việt Nam cần xem xét nhưng phải có lộ trình cho phương án này.
Có ý kiến đề xuất nên trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. NHTM không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng, mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh (với điều kiện đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn), còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập.
Với quan điểm cần đánh thuế giao dịch vàng, có ý kiến đề nghị cần thận trọng xem xét. Mặt được của chính sách không chỉ giảm nhu cầu về vàng của người dân và các nhà đầu tư, ngăn chặn đầu cơ và thao túng giá vàng mà còn tạo điều kiện cho ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu. Đây cũng là cách tạo sự công bằng giữa các kênh đầu tư vàng - chứng khoán - bất động sản, là phương sách để chống "vàng hóa" nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc đánh thuế giao dịch vàng có thể làm tăng thêm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới, người dân sẽ hạn chế bán vàng. Điều này sẽ làm cho vàng nằm im trong dân không chuyển nguồn vàng thành nguồn lực tài chính phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Theo TS. Hà Thị Đoan Trang- Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính, cũng không quá lo lắng cho giá vàng, vì bên cạnh có một số lý do để vàng tăng giá nhưng cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc giảm giá.
Thực thế cho thấy, giá vàng đã tăng cao ở mức kỷ lục mọi thời đại và đã có xu hướng giảm trong vòng hơn 1 tháng qua. Khả năng cao trong những tháng cuối năm 2024, giá vàng sẽ bình ổn và dao động ở mức giá hiện tại ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Nhìn chung, để có được một thị trường ổn định trong dài hạn, cần phải xây dựng một thị trường vàng mang tính chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Cần xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng hội nhập quốc tế./.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời báo chí cho biết, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để có thể đề xuất thêm các biện pháp phù hợp với tình hình mới, đề xuất sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, thanh tra kinh doanh, mua bán vàng miếng. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp chấp hành quy định về hóa đơn thanh toán, thống kê và kiểm soát giao dịch vàng. Cơ quan này phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công thương kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận