24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Phượng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Biểu giá điện mới: Đi ngược mong muốn của Chính phủ

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để sửa đổi Quyết định 28/2014. Đây là vấn đề tương đối phức tạp và cần cân nhắc thận trọng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

Hiện nay trong cơ cấu biểu giá điện có 6 bậc. Trong đề xuất về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, ngoài phương án 5 bậc, Bộ Công Thương thêm phương án điện 1 giá, với mức giá bằng 145-155% mức giá bán lẻ điện bình quân (tương đương 2.703-2.889 đồng/kWh).

Theo Luật Điện lực, mức giá bình quân đã bao gồm giá thành sản xuất, phân phối, truyền dẫn và chi phí dịch vụ phụ trợ như điều độ, điều hành và đương nhiên bao gồm lãi định mức, tức ngành điện không bao giờ lỗ.

Vì là luật nên nhiều ý kiến cho rằng “không được cãi với luật”, dù luật này do ngành điện lực soạn thảo để Quốc hội thông qua. Tuy nhiên bất cập là ngành điện, Bộ Công Thương vẫn đưa ra mức giá bán lẻ cao hơn mức giá bình quân đến 145-155% mà không có sự giải thích minh bạch: giá điện bán lẻ đã được cộng thêm khoản chi phí gì, dựa trên tính toán nào khiến giá bán lẻ cao hơn giá bình quân nhiều đến vậy?

Về nguyên tắc, sản phẩm điện không có tồn kho, sản xuất bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu, cùng với việc được tính lãi định mức vào giá thành, ngành điện luôn có lợi nhuận và lợi nhuận càng nhiều hơn sau mỗi lần tăng giá điện. Năm 2018, EVN công bố lãi hơn 700 tỷ đồng, với mức bán lẻ bình quân 1.720,65 đồng/kWh.

Đầu năm 2019, Chính phủ quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện thêm 8,36%, tức khoảng 1.864 đồng/kWh, sau kiến nghị của Bộ Công Thương với lý do giá đầu vào tăng cao. Với mức tăng giá điện này, EVN tổng kết năm 2019 lợi nhuận ước đạt 950 tỷ đồng, tăng 35,7% so với 2018.

Như vậy nếu ngành điện sử dụng phương thức 1 giá cao hơn mức bình quân 1,45-1,55 lần, EVN sẽ có lợi nhuận khổng lồ, điều này càng bất cập khi các ngành khác đều lao đao, suy trầm trong đại dịch Covid-19.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2010 ngành điện có năng suất lao động cao gấp 11,5 lần năng suất chung, năm 2017 năng suất lao động của ngành này tăng gấp 15,1 lần năng suất lao động bình quân của nền kinh tế, và năm 2018 con số này là 17 lần.

Điều này hàm nghĩa giá trị gia tăng theo giá cơ bản của ngành điện rất lớn, trong khi giá trị gia tăng theo giá cơ bản được cấu thành bởi 2 yếu tố là thu nhập của người lao động (lương và các khoản thu nhập khác) và lợi nhuận.

Như vậy 1 trong 2 yếu tố hoặc cả 2 đều rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Phải chăng, mỗi lần tăng giá điện đều đi vào thặng dư ngành điện, còn người dân phải móc ví làm giàu cho ngành này?

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế và đại bộ phận người dân khó khăn. Chính phủ phải bỏ tiền cứu trợ, nhưng Bộ Công Thương dường như đang tìm cách thu lại nhiều hơn bằng cách đưa ra phương án, mà cuối cùng người dân phải trả tiền điện nhiều hơn, là không phù hợp.

Mong muốn của Chính phủ là giữ cho tăng trưởng không âm và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giữ bình ổn chỉ số giá tiêu dùng. Theo tính toán, nếu tăng giá điện theo phương án của Bộ Công Thương và ngành điện lực, sẽ khiến ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 1,02%. Giá điện tăng lên khiến mức tiêu dùng của nhóm sản phẩm khác giảm, từ đó dẫn đến ảnh hưởng giá tiếp đến chu kỳ sản xuất sau khiến GDP có thể giảm 0,5-0,7%.

Ngoài ra, đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế hộ gia đình trong 15 năm qua cơ bản do khu vực hộ cá thể. Tổng giá trị gia tăng của khu vực này chiếm trong GDP gần 30% - mức cao nhất trong các thành phần kinh tế. Do đó, khi giá bán lẻ điện tăng sẽ khiến giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế hộ gia đình giảm sút, khiến GDP của nền kinh tế giảm khoảng 0,3-0,5%. Như vậy, ảnh hưởng do vấn đề giá điện, chưa kể dịch Covid, đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng và GDP giảm.

Dư luận đặt câu hỏi: phải chăng ngành điện lực đang đi ngược mong muốn của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh đại dịch?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả