24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Biến động giá hàng hóa 6 tháng: Thép, kim loại 'hạ nhiệt', năng lượng lên đỉnh

Giá thép giảm 7 lần liên tiếp từ ngày 11/5 với tổng mức giảm 2,8 triệu đồng. Các kim loại như đồng, bạc, nhôm đều trong xu hướng giảm.

Nhóm năng lượng: Giá xăng liên tục lập đỉnh

Trước khi giảm 100-400 đồng vào ngày 1/7, giá xăng từng lập đỉnh vào ngày 21/6 ở mức 31.302 đồng/lít với E5 RON 92, và 32.873 đồng/lít với giá RON 95. Theo Tổng cục Thống kê, tính bình quân trong quý II, giá xăng dầu trong nước tăng gần 55% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm.

Biến động giá hàng hóa 6 tháng: Thép, kim loại 'hạ nhiệt', năng lượng lên đỉnh
Diễn biến giá xăng đến hết tháng 6 năm nay.

Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít. Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm.

Ngày 6/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, thảo luận dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế. Để giảm tác động tới sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn khung thuế suất theo thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng với dầu từ 11/7.

Giá dầu thế giới ảnh hưởng đến giá xăng trong nước, do cơ sở tính giá bán xăng dầu phụ thuộc vào giá, tỷ trọng nhập khẩu và sản xuất. Trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 20,5-21 triệu m3, tấn xăng dầu các loại. Con số được dự báo cho năm nay là 20,7 triệu m3, tấn, trong đó nguồn cung nội địa có thể đảm bảo khoảng 70%, còn lại là nhập khẩu.

Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, giá dầu thế giới leo cao. Ngày 8/3, giá dầu gần chạm 125 USD/thùng, cao nhất 14 năm. Sau đó, giá dầu hạ nhiệt nhưng vẫn dao động ở mức 95-120 USD/thùng cho đến cuối tháng 6, trong khi cùng kỳ là 50-70 USD/thùng.

Biến động giá hàng hóa 6 tháng: Thép, kim loại 'hạ nhiệt', năng lượng lên đỉnh
Diễn biến giá dầu Brent. Nguồn: Trading Economics

Giá gas cũng ghi nhận cao kỷ lục đầu tháng 4 năm nay. Giá bán gas Saigon Petro trong tháng 4 tăng 14.000 đồng/bình, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 516.000 đồng/bình 12 kg.

Tuy nhiên, từ tháng 5, 6 và 7, giá gas liên tục đi xuống với tổng mức giảm 67.000 đồng/bình 12 kg. Saigon Petro cho biết giá gas giảm vì nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu bình quân là 725 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước. Nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.

Thị trường khí đốt thế giới chịu tác động lớn từ cuộc chiến tại Ukraine vì 40% khí đốt tại châu Âu đến từ Nga.

Vào ngày 7/3, hơn 10 ngày sau khi cuộc chiến tại Ukraine, nổ ra, giá khí đốt tại châu Âu lên đến 229 euro/mwh (233 USD/mwh), cao nhất mọi thời đại. Sau đó, giá mặt hàng này lao dốc và tăng trở lại mức 170 euro/mwh (173 USD/mwh) như hiện nay.

Giá khí đốt tại Anh cũng cũng cao nhất mọi thời đại vào ngày 7/3 và ở mức 539 xu Anh/therm (6,4 USD/therm). Sau đó, mặt hàng này giảm dần và tăng trở lại mức 290 xu Anh/therm (3,4 USD/therm).

Giá khí đốt tại Mỹ vượt 9 USD/MMBtu vào đầu tháng 6, sau đó lao dốc xuống còn 5,5 USD/MMBtu trong ngày 7/7. Nguyên nhân khiến giá tại Mỹ giảm là do vụ nổ trạm khí xuất khẩu Freeport ở Texas, ảnh hưởng đến xuất khẩu nhưng khiến nguồn cung trong nước dồi dào hơn.

Nhóm kim loại: Thép trong nước giảm 7 lần liên tiếp, vàng trong nước liên tục lập đỉnh

Tới cuối tháng 6, giá thép có 7 lần điều chỉnh giảm liên tiếp với tổng mức giảm hơn 2,8 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Lần gần nhất, nhiều doanh nghiệp thép thông báo hạ giá sản phẩm với mức giảm đến 300.000 đồng/tấn xuống 16,2-16,8 triệu đồng/tấn.

Biến động giá hàng hóa 6 tháng: Thép, kim loại 'hạ nhiệt', năng lượng lên đỉnh
Diễn biến giá thép Hòa Phát tại miền Bắc. Nguồn: Steel Online

Tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ giá thép trong xu hướng giảm do lượng cầu đang giảm, cung vẫn giữ nguyên.

Theo ông Long, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc làm cho cầu thép của thị trường này giảm. Nước này chiếm đến hơn 60% sản lượng tiêu thụ nên khi thực hiện chính sách phong tỏa nghiêm ngặt khiến cầu giảm. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ suy thoái, lạm phát cao cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thép.

Theo các chuyên gia trong ngành, giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất thép đi xuống cũng góp phần khiến giá thép hạ nhiệt. Giá thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc ngày 30/6 là 930 USD/tấn, giảm 45% so với đầu tháng 9/2021. Giá quặng 63,5% Fe là 118 USD/tấn, thấp hơn đỉnh tháng 7/2021 gần 50%.

Cùng với giá thép, giá nhiều kim loại khác cũng giảm do lo ngại về suy thoái kinh thế. Giá đồng bắt đầu giảm từ tháng 3 và hiện ở mức 7.555 USD/tấn, thấp nhất từ tháng 12/2020. Tương tự, giá bạc đang ở mức 695 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Giá nhôm hiện là 2.400 USD/tấn, thấp nhất từ tháng 6/2021.

Biến động giá hàng hóa 6 tháng: Thép, kim loại 'hạ nhiệt', năng lượng lên đỉnh
Diễn biến giá đồng 2 năm qua. Nguồn: Investing.

Riêng với vàng sau khi tăng trong nửa đầu năm, đang chững lại và giảm trong tuần đầu tháng 7. Đến này 7/7, vàng thế giới ở mức 1.734 USD/ounce, thấp nhất từ tháng 9/2021. Vàng SJC trong nước cũng giảm 300.000 đồng/lượng so với ngày trước đó, xuống còn 68,3 triệu đồng/lượng.

Trong nửa đầu năm, giá vàng SJC từng lập kỷ lục vào ngày 7/3 gần 75 triệu đồng/lượng. vàng trong nước cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.

Trả lời chất vấn về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tại kỳ họp Quốc hội. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nguyên nhân là từ 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng theo chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế. Trong khi nguồn cung trong nước giảm vì có thể một phần vàng chuyển sang sản xuất thủ công mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, thống đốc cho rằng biến động cũng khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng lo ngại rủi ro nên niêm yết giá cao. SJC là thương hiệu được người dân ưa chuộng hơn cả nên giá cao. Về cơ bản, giá vàng niêm yết mua và bán của các tổ chức chênh nhau khoảng 1-1,5 triệu đồng/lượng.

Giá nickel, nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thép không gỉ và pin xe điện, có lúc tăng đến 250% trong hai phiên giao dịch tuần thứ hai của tháng 3, vượt 100.000 USD/tấn đầu ngày 8/3. Con số này gấp đôi đỉnh ghi nhận năm 2007. Giá mặt hàng này tăng vì lo ngại nguồn cung bị gián đoạn bởi cuộc chiến tại Ukraine. Nga chiếm khoảng 10% nguồn cung của thế giới.

Mảng hóa chất: Giá phân bón đảo chiều

Phân bón là một trong những mặt hàng "dậy sóng" trong năm qua. Thị trường phân bón nóng hơn sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cùng với, Belarus, đây là ba nhà xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới.

Nga, Belarus chiếm khoảng 40% xuất khẩu kali toàn cầu. Nga chiếm khoảng 11% xuất khẩu ure thế giới và 48% amoni nitrate. Nga và Ukraine xuất khẩu khoảng 28% lượng phân bón nitơ, photpho, kali toàn cầu.

Giá phân bón một số nơi liên tục tăng sau khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra. Trong tuần kết thúc vào ngày 25/3, giá phân bón tại Bắc Mỹ là 1.270 USD/tấn, tăng 30% so với trước chiến tranh. Sau đó, giá phân bón đi xuống và hiện ở mức 897,7 USD/tấn, tương đương đầu năm.

Biến động giá hàng hóa 6 tháng: Thép, kim loại 'hạ nhiệt', năng lượng lên đỉnh
Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ. Nguồn: Fertilizer Pricing

Trong nước, theo CTCP Phân bón Bình Điền, giá ure trong tháng 3 năm nay lên đến gần 1,8 triệu đồng/100 kg, tăng 3% so với đầu năm, sau đó hạ nhiệt. Hiện tại, giá ure vào khoảng 1,5 triệu đồng/100 kg, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo SSI Research, về nhu cầu, do quý III là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt, giá ure được dự báo tiếp tục giảm, nhưng sẽ tăng trở lại vào quý IV khi vụ Đông Xuân bắt đầu. Tuy nhiên, giá ure sẽ khó quay trở lại mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3 trừ khi giá nguyên liệu ure (khí, than) phục hồi trở lại.

Giá DAP Đình Vũ xanh 61% là 2,15 triệu đồng/100 kg, cao hơn đầu năm 15%. Giá DAP Hàn Quốc đen 64% hiện là 2,655 triệu đồng/100 kg, tăng 8% so với đầu năm.

Biến động giá hàng hóa 6 tháng: Thép, kim loại 'hạ nhiệt', năng lượng lên đỉnh
Diễn biến giá ure. Nguồn: Binhdien.com

2Nông nhận định nguồn cung DAP nhập khẩu từ Trung Quốc còn hạn chế, dẫn đến giá DAP trong nước khó hạ nhiệt và vẫn giữ mức cao. Bên cạnh đó, giá DAP tại Trung Quốc đã tăng 20% từ đầu tháng 4 và hiện đi ngang ở mức 4.333 nhân dân tệ/tấn (647 USD/tấn), ngày 28/6.

Về thị trường trong nước, theo Tổng cục Hải Quan, lũy kế 5 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước là 1,6 triệu tấn, giá trị hơn 737 triệu USD, giảm 17,4% về khối lượng, nhưng tăng 42% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng chăn nuôi: Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn 'rục rịch' đi lên

Nhiều công ty tăng giá thức ăn chăn nuôi. Gần nhất, từ ngày 1/7, Kyodo Sojitz sẽ tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho heo con và thức ăn đậm đặc với mức tăng 400 đồng/kg, nghĩa là giá một bao 25 kg sẽ tăng 10.000 đồng/bao. Đối với các loại thức ăn còn lại cho heo, bò, gà thịt, vịt thịt và gà, vịt đẻ, giá tăng 300 đồng/kg, đồng nghĩa giá một bao 25 kg sẽ tăng thêm 7.500 đồng. Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng tăng giá thức ăn chăn nuôi 300-400 đồng/kg. Thức ăn đậm đặc, thức ăn cho heo con, giá tăng 400 đồng/kg và tăng 300 đồng/kg đối với các loại thức ăn còn lại.

Hai công ty trên lý giải nguyên nhân nâng giá bán là giá nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động trong thời gian qua.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng thông báo nâng giá sản phẩm. Công ty TNHH Jafta Comfeed Việt Nam - khu vực miền Nam (Jafta Việt Nam) tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 25/5 thêm 300 đồng/kg. CTCP MNS Feed cũng thông báo sẽ chính thức tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 26/5. Cụ thể, giá tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn cho lợn con Non – BZ (A21U21 và H21).

Trước tình hình thức ăn chăn nuôi tăng giá, VNDirect nhận định xung đột Nga – Ukraine tác động tiêu cực đến ngành thức ăn chăn nuôi do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mì đều tăng mạnh. Hai quốc gia trên lần lượt xuất khẩu lúa mì lớn hàng đầu và thứ 3 thế giới, chiếm 1/3 tổng kim ngạch thương mại mặt hàng này. Bên cạnh đó, Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 2, chiếm 22% kim ngạch toàn thế giới.

Dù giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá heo hơi không tăng theo một phần do cạnh tranh với thịt heo đông lạnh nhập khẩu, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai. Trong chăn nuôi heo, chi phí cho thức ăn chăn nuôi chiếm 50% giá vốn sản xuất thịt heo hơi nên giá thức ăn chăn nuôi tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi.

Gần đây, giá heo bắt đầu tăng trở lại. Theo Anova Feed, giá heo hơi ngày 7/7 tại nhiều tỉnh thành vượt 60.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, Hưng Yên, giá heo hơi là 63.000 đồng/kg, cao nhất cả nước. Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Thọ là 62.000 đồng/kg. Giá tại Vĩnh Phúc là 61.000 đồng/kg. Các địa phương ghi nhận mức giá 60.000 đồng/kg là Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang...

Báo cáo của Anova Feed đề cập trong tháng 6, giá heo tại nhiều tỉnh thành tăng so với tháng 5. Giá trung bình tại Bạc Liêu là 57.000 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với tháng 5; Yên Bái, Lào Cai ghi nhận mức tăng 1.700 đồng/kg lên 56.000 đồng/kg, tại Thái Nguyên, giá tăng 2.600 đồng/kg lên 57.100 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, tháng 6, giá heo liên tiếp tăng và giữ quanh mức 57.000-59.000 đồng/kg do nguồn heo từ các công ty và các hộ dân không nhiều và lực heo lưu chuyển Bắc - Nam chưa mạnh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định giá heo tăng hiện tại không phải từ người tiêu dùng vì thực tế, tại các chợ đầu mối, tiêu thụ vẫn chậm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả