Biến chủng Omicron và sự kỳ vọng vào cổ phiếu dược
(ĐTCK) Sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 có tên Omicron đã nhanh chóng giúp cổ phiếu dược trở thành tâm điểm trên thị trường. Dù không được đánh giá cao từ công cuộc nhập khẩu vaccine và thuốc điều trị trước đây, các công ty dược vẫn được kỳ vọng sẽ sớm quay trở lại đường đua.
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 29/11 đến ngày 3/12, VN-Index giảm 49,71 điểm, tương đương giảm 3,3%, xuống 1.443,32 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 10,5% xuống 148.467 tỷ đồng, khối lượng giảm 9,5% xuống 4.834 triệu cổ phiếu.
HNX-Index giảm 9,36 điểm, tương đương giảm, xuống 449,27 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 1,5% lên 20.501 tỷ đồng, khối lượng tăng 6,1% lên 768 triệu cổ phiếu.
Mở cửa ngày giao dịch đầu tuần, dù thị trường đỏ lửa và chịu áp lực bán tháo mạnh, các cổ phiếu dược vẫn được hưởng lợi. Phần lớn các mã ngành dược đều nằm trong sắc xanh, nhiều mã còn tăng kịch trần.
Cổ phiếu dược hưng phấn
Mã chứng khoán |
Niêm yết |
Giá đóng cửa ngày 26/11(VNĐ) |
Giá đóng cửa ngày 03/12 (VNĐ) |
Chênh lệch (%) |
LDP |
HNX |
20.300 |
32.400 |
59,60 |
DHG |
HOSE |
99.500 |
116.700 |
17,29 |
DDN |
UPCoM |
20.000 |
22.900 |
14,5 |
SPM |
HOSE |
20.000 |
22.700 |
13,5 |
PPP |
HNX |
18.700 |
20.500 |
9,63 |
CDP |
UPCoM |
17.600 |
19.000 |
7,95 |
IMP |
HOSE |
72.500 |
75.100 |
3,59 |
DBD |
HOSE |
55.200 |
57.000 |
3,26 |
TRA |
HOSE |
89.900 |
92.400 |
2,78 |
Từ đầu năm đến ngày 22/11, mã LDP của CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar chỉ giao dịch quanh mốc 11.000 đồng/CP đến 14.000 đồng/CP với khả năng thanh khoản thấp. Tuy nhiên, từ ngày 23/11 đến nay, LDP đã tăng trần 9 phiên liên tiếp chưa có điểm nghỉ và tỏ ra miễn nhiễm với những tác động tiêu cực từ thị trường. Qua đó, cổ phiếu được kéo từ 14.000 đồng/CP lên 32.400 đồng/CP, tương đương mức tăng 131,4%.
Tuy nhiên, đà tăng này không đến từ kỳ vọng chung vào ngành dược. Kể cả khi cơn sóng cổ phiếu dược nổi lên từ tháng 7 - 8 vừa qua, LDP cũng không phải là cái tên có nhiều dấu ấn nổi bật trong mắt nhà đầu tư. Nguyên nhân chính giúp LDP tăng đột biến được cho là Công ty có liên quan đến CTCP Louis Holdings.
Vừa qua, ông Nguyễn Mai Long, Tổng giám đốc Louis Holdings đã được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc LDP. Bên cạnh đó, bộ máy lãnh đạo của LDP cũng đang có nhiều biến động. Các vị trí chủ chốt như Tổng giám đốc, Giám đốc tài chính đã được HĐQT thông qua miễn nhiệm; nhiều thành viên HĐQT và Ban kiểm soát cũng nhanh chóng nộp đơn từ nhiệm. Điều này khiến thị trường đặt câu hỏi về một cuộc thanh lọc nội bộ và LDP có thể sớm gia nhập vào hệ sinh thái Louis.
Ngoài LDP, động lực tăng của các mã dược khác đều được cho là đến từ kỳ vọng trên thị trường.
Mã DHG của CTCP Dược Hậu Giang đã có phiên đầu tuần đầy tích cực khi tăng 4,40%. Dù hai phiên sau đó cổ phiếu giảm nhẹ nhưng với 2 phiên cuối tuần tăng trần hưng phấn, DHG đã ghi nhận tăng 17,29% cho cả tuần giao dịch đưa cổ phiếu từ 99.500 đồng/CP lên 116.700 đồng.
Tiếp theo, mã DDN của CTCP Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Cổ phiếu có hai phiên đầu tuần tăng hết biên độ và chững lại ở hai phiên cuối tuần. Nhìn chung, cổ phiếu đã tăng 14,5% với khả năng thanh khoản được cải thiện đáng kể so với tuần trước đó với bình quân đạt 192.400 đơn vị/phiên.
Tương tự, mã SPM của CTCP SPM cũng có 3 phiên đầu tuần tăng trần, hai phiên cuối giảm nhiệt song vẫn giúp cổ phiếu tăng 13,5%. Đáng chú ý là chỉ mới tuần trước đó, SPM lao dốc liên tiếp 6 phiên không có lực cản và chỉ cổ phiếu chỉ đảo chiều khi xuất hiện những tin tức mới nhất về biến chủng Covid-19 Omicron.
Bên cạnh đó, các mã dược quen thuộc cũng bật tăng sau khoảng thời gian im ắng như: PPP của CTCP Dược phẩm Phong Phú leo dốc 9,63%; mã CDP của CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha tăng 7,95%; IMP của CTCP Dược Imexpharm cũng tăng 3,59%,…
Mở rộng biên độ kỳ vọng
Một tin không vui của nền y tế thế giới là vào ngày 29/11 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại lên tiếng cảnh báo biến thể Omicron có nguy cơ “rất cao” trên toàn cầu. Dù chưa rõ mức độ nghiêm trọng sẽ ra sao, song điều này đòi hỏi các hệ thống bệnh viện phải nỗ lực rất lớn. Đặc biệt, tổ chức này cũng hối thúc các nước thành viên đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine cho người dân.
Bên cạnh đó, nhiều hãng dược hàng đầu trên thế giới đã bắt đầu chỉnh sửa công thức vaccine Covid-19 hoặc phát triển liều mới chống lại biến chủng Omicron.
Ngày 27/11, Novavax thông báo hãng này đã bắt đầu nghiên cứu về phiên bản vaccine mới để ngăn cản biến chủng Omicron và trong một vài tuần tới sẽ có thể được thử nghiệm. Phía hãng này cho biết vaccine của họ sẽ chứa protein gai đã đột biến trong biến thể mới, không gây bệnh nhưng có thể kích ứng phản ứng miễn dịch.
Đến ngày 29/11, ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Công ty dược Pfizer cũng lên tiếng xác nhận Công ty đã bắt đầu nghiên cứu để tạo ra một phiên bản vaccine Covid-19 nhắm đến biến thể Omicron.
Ngoài ra, các Công ty dược hàng đầu khác như Moderna, Sputnik V, Johnson & Johnson,… cũng khẳng định họ đang phát triển một mũi tiêm chống lại biến thế mới và cố gắng cho ra kết quả.
Không lâu sau, Omicron đã xâm nhập vào Đông Nam Á. Vào ngày 2/12, Bộ Y tế Singapore công bố có 2 trường hợp đi trên một chuyến bay từ Nam Phi và đều có kết quả dương tính với Omicron. Ngày hôm sau, Malaysia trở thành quốc gia thứ hai trong khu vực ghi nhận có ca nhiễm biến chủng nguy hiểm này.
Những thông tin trên đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hoảng loạn trong phiên đầu tuần, những phiên sau đó cũng không có sự cải thiện khi VN-Index liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, trái ngược với tình hình chung, cổ phiếu dược lại có một tuần giao dịch thành công và thị trường lại một lần nữa đặt niềm tin rằng ngành dược sẽ được hưởng lợi. Dù thực tế, SSI Research đánh giá rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ hoạt động nhập khẩu vaccine hoặc thuốc điều trị Covid-19 trước đây, vì quy trình, thủ tục phức tạp khi nguồn cung vaccine khan hiếm và nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thuốc điều trị.
Tuy nhiên, công cuộc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine và chiến dịch tiêm chủng toàn cầu trở thành động lực cho các doanh nghiệp trong nước được nới lỏng và cùng tham gia vào chiến dịch chống dịch của Chính Phủ.
Ngoài ra, SSI Research cũng cho rằng, năm 2021, Việt Nam đã trải qua 2 đợt dịch bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng với các đợt giãn cách liên tiếp kéo dài gần 4 - 6 tháng ở một số tỉnh khiến doanh thu dược phẩm giảm mạnh so với năm 2018.
“Trong năm 2022, với khả năng cao mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ, cùng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngày càng tăng trong toàn dân Việt Nam, các công ty dược phẩm sẽ đạt được kết quả lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt mức trước dịch Covid”, các chuyên gia đến từ SSI dự báo.
Về triển vọng dài hạn, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, Việt Nam sẽ ghi nhận tốc độ già hóa từ năm 2020 - 2035, tương đương với Trung quốc trong giai đoạn 2005 - 2020. Thực tế là chi tiêu cho thuốc trên đầu người của Trung Quốc trong năm 2010 ngang bằng với Việt Nam vào năm 2018 (41 USD) và đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 11% trong giai đoạn 2010 - 2018 (dựa trên dữ liệu của IQVIA) giúp tăng trưởng chi tiêu cho dược phẩm của Việt Nam trong tương lai.
Do đó, các chuyên gia nhìn nhận: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam báo hiệu tốt cho chi tiêu cho dược phẩm khi người tiêu dùng có ý thức hơn về sức khỏe”. Đây cũng là tín hiệu tốt cho ngành dược sẽ kéo cổ phiếu dược đi lên trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận