Bị phương Tây loại khỏi SWIFT, Nga sẽ chuyển sang dùng crypto?
Trước việc Nga không cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt xung đột tại Ukraine, các nước phương Tây đã chính thức loại nước này khỏi hệ thống SWIFT.
Nga bị phương Tây chặn khỏi SWIFT
Sáng ngày 27/02, Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch loại một số ngân hàng lớn của Nga khỏi SWIFT, hệ thống gửi thông tin thanh toán toàn cầu.
Đây là động thái trừng phạt mới nhất được phương Tây đưa ra trong bối cảnh tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn hết sức căng thẳng. Quân Nga trong ngày 26/02 tiếp tục tiếp công vào các thành phố lớn của Nga, bao gồm Kyiv và Kharkiv, cũng như không kích nhiều địa điểm quân sự trên khắp lãnh thổ Ukraine.
Chính vì vậy, nhóm các quốc gia gồm Ủy ban Châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh, Canada và Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố chung, theo đó sẽ loại một nhóm các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi SWIFT, song vẫn chưa công bố danh sách cụ thể tên các ngân hàng. Theo thống kê mới đây, đang có đến 300 ngân hàng của Nga được kết nối với SWIFT.
SWIFT là một hệ thống thanh toán toàn cầu được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới.
Việc loại Nga khỏi SWIFT được xem là đòn trừng phạt nặng nề nhất nhắm thẳng vào nền kinh tế và hoạt động giao thương của Nga ở thời điểm hiện tại. Nhiều chuyên gia trước đó cho rằng phương Tây sẽ không sẵn sàng đóng SWIFT với Nga vì điều này có thể phản tác dụng và khiến nước này càng trở nên hung hăng hơn. Nước Đức vào lúc xung đột mới diễn ra còn thẳng thừng từ chối loại Nga khỏi SWIFT vì lo sợ ảnh hưởng đến các thỏa thuận năng lượng. Song, nước đi mới nhất của các nước lớn ở phương Tây cho thấy họ đã xem vấn đề xung đột Nga-Ukraine với sự nghiêm túc cao nhất và sử dụng SWIFT như là “át chủ bài” để buộc Nga hạ nhiệt căng thẳng.
Trước đó vào ngày 25/02, Hoa Kỳ và EU đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt mới để khiến Nga “trả giá đắt”, bao gồm: hạn chế khả năng giao thương của Nga bằng USD, JPY, GBP và EUR; chặn nguồn cung tài chính giúp phát triển quân đội Nga; làm suy yếu khả năng cạnh tranh công nghệ cao của Nga và trừng phạt các ngân hàng Nga. Các nước phương Tây còn tiến hành phong tỏa tài sản của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Nga như Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov, cũng như gây áp lực tịch thu tài sản của nhiều tỷ phú Nga. Ông chủ CLB Chelsea là Abramovich vào sáng ngày 27/02 đã thông báo chuyển quyền điều hành CLB cho Quỹ Chelsea Foundation để giúp giảm áp lực lên đội bóng.
Những biện pháp “cô lập kinh tế” Nga được cho là sẽ tiếp tục gia tăng cho đến khi nào Moskva dừng các hành động quân sự tại Ukraine.
Nga sẽ chuyển sang dùng crypto?
Đã có một số ý kiến cho rằng trước tình hình bị phương Tây bao vây kinh tế, Nga có thể chuyển sang dùng tiền mã hóa để lách các biện pháp cấm vận.
Đây là giải pháp đã được những quốc gia nằm trong danh sách đen của các tổ chức tài chính toàn cầu như Triều Tiên hay Iran sử dụng khi không còn có thể tiếp cận dòng ngoại tệ thông qua giao thương.
Song, khả năng điều này xảy ra là khá thấp, bởi với tình hình hiện tại, Nga vẫn chưa sẵn sàng để tích hợp tiền mã hóa trên quy mô lớn vào hệ thống tài chính. Ngân hàng trung ương và Bộ tài chính nước này thậm chí còn đang tranh cãi về việc có nên ban hành luật quản lý crypto hay không.
Việc Nga tiến tới công nhận crypto sẽ vừa mang lại hệ quả tốt lẫn xấu cho lĩnh vực tiền mã hóa. Ở một mặt, Nga sẽ tham gia vào danh sách các quốc gia công nhận tiền mã hóa là hợp pháp, sánh ngang với El Savador. Đây là tín hiệu phát triển tốt cho quá trình tiếp nhận crypto trên quy mô toàn cầu.
Ngược lại, việc Nga chấp nhận crypto để lách lệnh trừng phạt sẽ không thể nào thoát khỏi ánh mắt theo dõi của Mỹ và EU, những nước mà sẽ có thêm lý do để sẵn sàng ban hành thêm các biện pháp trừng phạt đánh thẳng vào lĩnh vực crypto và ngày càng cô lập Nga. Những lệnh cấm crypto này chắc chắn sẽ có hiệu lực trên toàn cầu, mô hình chung ảnh hưởng đến cả nhà đầu tư crypto lẫn các công ty tiền mã hóa lớn đang hoạt động trên thế giới.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là những giả định của Coin68 và vẫn cần phải chờ để xem động thái tiếp theo của những quốc gia trên là thế nào.
Lượng tiền crypto ủng hộ cho Ukraine tiếp tục tăng lên
Ở bên kia chiến tuyến, Ukraine lại đang huy động được một lượng lớn tiền mã hóa ủng hộ từ cộng đồng crypto.
Như đã được Coin68 đưa tin vào tối ngày 26/02, các tài khoản mạng xã hội chính thức của Ukraine và quan chức cấp cao đã kêu gọi dư luận toàn cầu quyên góp tiền mã hóa để nước này có thêm nguồn lực tài chính để chống lại quân xâm lược Nga.
Theo đó, chính quyền Ukraine đã đăng tải các địa chỉ ví BTC, ERC-20 của Ethereum và TRC-20 của TRON để kêu gọi đóng góp. Tính đến 11:00 AM ngày 27/02, đã có 1,2 triệu USD Bitcoin, 5,1 triệu USD ETH và các token ERC-20 cùng hơn 200.000 USDT trên TRON đã được gửi đến Ukraine, cho thấy sự hưởng ứng nhiệt liệt của cộng đồng tiền mã hóa.
Nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin, CEO FTX Sam Bankman-Fried hay nhà sáng lập TRON Justin Sun đều đã trực tiếp đứng ra quyên góp hay kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cuộc đấu tranh của Ukraine.
Coin68 tổng hợp
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận