Bị phạt do "giấu" thông tin, Tập Đoàn Nam Cường đang kinh doanh ra sao?
Không chỉ bị phạt “giấu” thông tin về báo cáo tài chính và thanh toán gốc lãi trái phiếu doanh nghiệp, kết quả kinh doanh của Tập Đoàn Nam Cường do nữ đại gia Lê Thị Thúy Ngà giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng đi lùi trong thời gian gần đây.
Mới đây Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty cổ phần Tập Đoàn Nam Cường Hà Nội (Tập đoàn Nam Cường do nữ đại gia Lê Thị Thúy Ngà giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị) số tiền 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Nguyên nhận do Tập Đoàn Nam Cường không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với Báo cáo tài chính bán niên năm 2022, năm 2021, bán niên năm 2021; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên năm 2022, năm 2021, bán niên năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2022, năm 2021, bán niên năm 2021.
Theo giới thiệu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy, được thành lập từ năm 1984, người sáng lập là Chủ tịch quá cố Trần Văn Cường.
Công ty chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn với tên mới là Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường từ ngày 20/12/2007 và đến tháng 8/2009 được đổi tên giao dịch thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.
Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Đầu tháng 11/2021, Tập đoàn Nam Cường thay đổi vốn điều lệ từ 4.050 tỷ đồng lên mức 4.500 tỷ đồng, tuy nhiên cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được tiết lộ.
Trước đó, trong lần công bố thông tin thay đổi về nguồn vốn doanh nghiệp vào tháng 12/2016, trong số cổ đông sáng lập của Tập đoàn Nam Cường chỉ còn 2 thành viên góp vốn gồm bà Lê Thị Thúy Ngà góp 94% vốn và bà Trần Thị Ngọc Quỳnh (con gái bà Ngà) góp 3% vốn, trong khi cổ đông sáng lập còn lại là Trần Oanh không còn góp vốn trong tập đoàn.
Cùng với đó, từ giữa tháng 6/2023, Tập đoàn Nam Cường cũng có sự thay đổi ở vị trí Tổng giám đốc khi ông Lê Văn Cương sinh năm 1963 được bổ nhiệm ngồi vào "ghế nóng" thay vị trí của ông Trần Văn Nghĩa. Sau khi được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc, ông Lê Văn Cương cũng trở thành người đại diện theo pháp luật mới của Tập đoàn Nam Cường.
Trong khi đó, cùng với sự trầm lắng của thị trường BĐS trong thời gian gần đây, kết quả kinh doanh của Tập đoàn do nữ đại gia Lê Thị Thúy Ngà giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng đi lùi trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023 được công bố, doanh nghiệp của nữ Chủ tịch Lê Thị Thúy Ngà ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 194,5 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu giảm từ 9,2% về còn 2,5%.
Loạt nhà liền kề tại dự án Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường vẫn chưa có người ở sau nhiều năm
Tại thời điểm 30/6, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu gần 7.888 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Nợ phải trả chiếm 41,16% vốn chủ sở hữu, tương đương mức 3.250 tỷ đồng, giảm gần 2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 4,29% vốn sở hữu, tương đương còn gần 339 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 11.100 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2022, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường cũng đi lùi khi ghi nhận lãi sau thuế còn hơn 1.168 tỷ đồng, giảm gần 500 tỷ đồng so với con số lãi hơn 1.644,67 tỷ đồng của năm 2021. Tỷ suất lợi nhận sau thế trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng giảm từ 23,85% trong năm 2021 về mức 15,18% trong năm 2022.
Thông tin của HNX cho biết, Tập đoàn Nam Cường có một lô trái phiếu đang lưu hành mã NAMCUONG_BOND2018_01, phát hành vào cuối năm 2018 với kỳ hạn 5 năm. Lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 28/12/2023. Giá trị phát hành ban đầu của lô trái phiếu này là 718 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm và giá trị đang lưu hành còn 338,5 tỷ đồng.
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận