Bị dọa cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, Nga bắt tay Trung Quốc lập hạ tầng mới
Trước những mối đe dọa liên quan tới việc bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, Nga và Trung Quốc đã thống nhất sẽ xây dựng một hạ tầng tài chính độc lập nhằm thắt chặt hơn quan hệ kinh tế và tránh bị tác động trước sức ép của bên thứ ba.
Điện Kremlin mới đây phát ra thông báo cho biết tại cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo thống nhất sẽ đẩy nhanh thành lập một hạ tầng tài chính độc lập để phục vụ các hoạt động thương mại giữa hai nước, không bị can thiệp hoặc ảnh hưởng từ bên thứ ba.
Cũng tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo kêu gọi tăng cường sử dụng đồng tiền nội tệ trong các giao dịch song phương, mở rộng hợp tác, tạo điều kiện để các nhà đầu tư của Nga và Trung Quốc tiếp cận thị trường chứng khoán của nhau, ông Yuri Ushakov, cố vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, cho biết.
Loạt động thái diễn ra trong bối cảnh Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland mới đây cho biết Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về phương án cô lập gần như hoàn toàn nước Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu với tất cả những hệ lụy đối với doanh nghiệp Nga và người dân Nga, bao gồm cả các cơ hội làm việc, du lịch và thương mại.
Bà Nuland nhấn mạnh rằng trong nỗ lực không để Nga có hành động can dự quân sự ở Ukraine, Mỹ đang xem xét tất cả các phương án hiện có, các biện pháp trừng phạt chưa từng có trước đây có thể được đưa ra theo từng giai đoạn.
Truyền thông Mỹ mới đây cũng đưa tin Washington có thể tính đến đòn trừng phạt nhằm vào các ngân hàng lớn của Nga, thậm chí “ngắt” Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, hệ thống thanh toán chủ đạo trên thế giới hiện nay, nhưng nằm dưới sự chi phối của Mỹ và phương Tây.
Nga cho tới nay vẫn phụ thuộc vào SWIFT để liên kết chặt chẽ với các tổ chức tài chính trên toàn cầu bởi hệ thống này kết nối hơn 11.000 ngân hàng tại hơn 200 quốc gia và có gần 32 triệu giao dịch mỗi ngày.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) mới đây cũng tuyên bố họ sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu quân đội Nga xâm lược Ukraine, mặc dù họ "khuyến khích các nỗ lực ngoại giao và hỗ trợ định dạng Normandy trong việc đạt được việc thực hiện đầy đủ các Thỏa thuận Minsk" (thỏa thuận hòa bình 2014-2015 đã được thống nhất với Đức, Pháp, Ukraine và Nga).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận