Bị cáo Trần Hùng khai đã 'đuổi cổ' người có ý định biếu xén ra khỏi phòng làm việc
Trả lời xét hỏi tại phiên phúc thẩm, bị cáo Trần Hùng, cựu Cục phó Quản lý thị trường Hà Nội, tiếp tục khẳng định không nhận hối lộ. Ông khai khi có người có ý đồ 'biếu xén' ông đã đuổi thẳng ra khỏi phòng làm việc.
Đề nghị cho báo chí quay phim, xét xử công khai
Ngày 22/1, sau nhiều giờ công bố lại bản án sơ thẩm, HĐXX TAND Tối cao xét hỏi ông Trần Hùng (cựu cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường).
Được biết, trong 18 người có đơn kháng cáo, duy nhất ông Trần Hùng là người kêu oan. Ở phần khai mạc phiên tòa, ông đề nghị HĐXX cho phép cơ quan báo chí được ghi âm, ghi hình, xét xử công khai.
Trên bục khai báo, cựu Cục phó Quản lý thị trường Hà Nội phản bác lời khai của hai bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) và Lê Việt Phương (cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội).
Theo ông Hùng, việc chống hàng giả thuộc quyền phân công của Cục trưởng, các Phó Cục trưởng không giữ vai trò quyết định. “Trong vụ việc này, tôi là người tiếp nhận tin từ Nhà xuất bản giáo dục và phải giữ bí mật. Chỉ đạo vụ này phải là Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tôi chỉ là người truyền đạt thông tin”, ông Trần Hùng nói.
Tự khai thêm, ông Hùng cho hay, Tổ 304 được cấp trên thành lập, giao cho ông quản lý nhằm theo dõi xử lý các vụ việc buôn lậu. Với kinh nghiệm làm Quản lý thị trường lâu năm, sau khi tiếp nhận tin báo có sách lậu ở Công ty Phú Hưng Phát, ông Hùng đã mời đại diện Nhà xuất bản giáo dục đến chứng kiến lực lượng chức năng giải quyết. Chính vì vậy, phía Nhà Xuất bản giáo dục đã “cảm ơn ông rất nhiều”.
“Vụ án này khởi tố hình sự có đáng không?”, Chủ tọa hỏi. Ông Trần Hùng khẳng định “đáng chứ, quy mô số lượng nó quá lớn”.
“Thế vụ việc này sau đó không được khởi tố, bị cáo có kiến nghị lý do vì sao không khởi tố không?”, Chủ tọa hỏi tiếp. Ông Hùng đáp, bản thân có kiến nghị và thắc mắc nhiều lần.
Ông Trần Hùng tại phiên tòa phúc thẩm.
Ông Trần Hùng nói bị lợi dụng danh dự, uy tín
Theo ông Hùng, quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Cao Thị Minh Thuận từng gọi điện cho ông rất nhiều lần với mục đích "nhờ vả" nhưng bị ông nói: “Chị đừng tưởng chồng chị làm công an mà tôi không dám xử lý, càng sai thì tôi càng phải làm”.
“Có bao giờ bị cáo Hải nói bị cáo Thuận đưa cho bị cáo 400 triệu đồng không?” - Chủ tọa liên tiếp đặt câu hỏi. Ông Trần Hùng trả lời: “Hải có đến phòng làm việc đặt vấn đề song cũng bị tôi mắng ‘mày định hối lộ tao, biếu xén đấy à’, rồi đuổi luôn, từ trước đến nay không ai buôn bán hàng lậu mà có thể mua chuộc được tôi”.
Về mối quan hệ với Nguyễn Duy Hải, ông Trần Hùng cho hay có quen trước khi vụ án buôn lậu sách được phanh phui. Ông đánh giá Hải rất“láu cá”, có thể anh ta muốn mượn danh dự, uy tín của ông nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Cao Thị Minh Thuận.
“Vụ án này đúng bản chất là trên Tổng cục Quản lý thị trường và Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội làm, cá nhân tôi chỉ tiếp nhận thông tin trình báo và truyền đạt lại cho cơ quan chức năng”, ông Trần Hùng quả quyết cuối phần xét hỏi.
Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) thừa nhận cáo trạng truy tố và bản án sơ thẩm buộc tội mình là đúng.
Tại tòa, bà Thuận cung cấp một số tình tiết mới như: đã khắc phục xong hậu quả; quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo; bị cáo là người sống có trách nhiệm; gia đình có công với cách mạng; cha mẹ, ông bà tường được tặng nhiều huân huy chương.
Ngoài kháng cáo xin giảm án, bị cáo Thuận cũng xin HĐXX xem xét cho một số thuộc cấp tại Công ty Phú Hưng Phát, bởi họ chỉ làm công ăn lương, không hưởng lợi từ buôn bán sách lậu…
Còn bị cáo Lê Việt Phương, cựu Đội phó Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội khai, từng nói chuyện điện thoại 2 lần với Trần Hùng và được vị này chỉ đạo "xử lý nhẹ" vụ việc.
Nhóm đồng phạm còn lại mỗi người chỉ dành 5 phút đưa ra các tình tiết mới, tất cả đều thành khẩn, mong HĐXX cho hưởng khoan hồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận