Bị áp giá trần, Nga doạ giảm sản lượng dầu, TT Putin ra sắc lệnh đáp trả
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu từ 5% -7% vào đầu năm 2023, nhằm phản ứng với việc áp trần giá đối với các sản phẩm dầu thô và tinh chế, đồng thời ngừng bán cho các quốc gia ủng hộ biện pháp trừng phạt này.
Trong lần đầu trình bày chi tiết về phản ứng của Nga đối với việc các quốc gia phương Tây áp giá trần với sản phẩm dầu mỏ của Nga, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Moscow có thể cắt giảm sản lượng dầu khoảng 5-7%, tương đương 500.000-700.000 thùng mỗi ngày (bpd) vào đầu năm 2023.
"Chúng tôi tin rằng trong tình hình hiện tại, có thể chấp nhận rủi ro sản xuất thấp hơn thay vì được hướng dẫn bởi chính sách bán hàng liên quan đến giá trần. Hôm nay là 60 USD, ngày mai có thể là bất cứ điều gì khác và việc bị phụ thuộc vào những quyết định được đưa ra bởi các quốc gia không thân thiện là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi", ông Novak phát biểu hôm 23/12.
Trước đó, bắt đầu từ ngày 5/12, Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia G7 và Úc đã chính thức áp dụng mức trần giá 60 USD/thùng với sản phẩm dầu mỏ của Nga, bên cạnh lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển và các cam kết tương tự của Anh, Canada, Nhật Bản và Mỹ.
Biện pháp này đã vấp phải sự phản ứng kịch liệt từ phía Điện Kremlin, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho các quốc gia ủng hộ việc áp giá trần. Tuy nhiên, phải tới hơn 2 tuần kể từ khi mức trần giá dầu có hiệu lực, Moscow mới đưa ra biện pháp phản ứng chính thức.
Theo Phó Thủ tướng Novak, do Moscow là "mắt xích" năng lượng quan trọng cho sự phát triển kinh tế toàn cầu, nên bất kỳ sự sụt giảm sản lượng nào về khí đốt hay dầu mỏ của nước này có thể gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung tại châu Âu, nơi từng nhập khẩu tới 40% năng lượng của Nga.
Ngoài việc giảm sản lượng dầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/12 cũng đã phát biểu cho biết ông sẽ ban hành sắc lệnh vào đầu tuần tới về các hành động của Moscow nhằm đáp trả việc áp giá trần. Sắc lệnh này nhiều khả năng sẽ yêu cầu việc cấm bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho các quốc gia tham gia áp dụng trần giá và các công ty yêu cầu tuân thủ.
Kết hợp giữa việc giảm sản lượng và cấm bán cho các quốc gia áp trần giá dầu sẽ dẫn tới việc giảm tổng khối lượng dầu thô có sẵn trên thị trường, đẩy giá dầu không phải của Nga lên cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trên toàn cầu và có khả năng tạo đòn bẩy cho Điện Kremlin chống lại phương Tây.
Được biết, trong năm 2022, sản lượng dầu của Nga dự kiến sẽ tăng lên 535 triệu tấn (10,7 triệu thùng mỗi ngày) từ mức 524 triệu tấn vào năm 2021; trong khi sản lượng khí đốt tự nhiên sẽ giảm tới 1/5 xuống còn 671 tỷ m3.
Các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến doanh số bán dầu của Nga, vốn chiếm một tỷ trọng lớn trong thu ngân sách nhà nước. Xuất khẩu hỗn hợp dầu thô Ural hàng đầu của Nga từ các cảng biển Baltic có thể giảm tới 1/5 trong tháng 12.
Trong tháng này, dầu thô Ural đã được bán với giá chiết khấu sâu hơn và người mua chiếm ưu thế là Ấn Độ đã mua các thùng dầu ở mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD.
Phó Thủ tướng Novak cho biết ông tin rằng việc giảm giá sẽ sớm ổn định và Nga đã dành phần lớn thời gian trong năm nay để chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt và trần giá.
Ông cũng ca ngợi công việc của nhóm các nhà sản xuất dầu hàng đầu toàn cầu OPEC+, bao gồm cả Nga, nói rằng giá dầu có thể sẽ duy trì trong phạm vi hiện tại là 70-100 USD/thùng vào năm tới nếu không có sự xuất hiện của các sự kiện không lường trước được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận