Bí ẩn vụ vay 2,8 tỉ đô la Mỹ thế chấp bằng vàng giả
Công ty chế tác và kinh doanh vàng Wuhan Kingold Jewelry ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vay 20 tỉ nhân dân tệ (2,8 tỉ đô la Mỹ) và sử dụng 83 tấn vàng để thế chấp. Mới đây, nhiều chủ nợ kiểm tra và phát hiện số vàng thế chấp này là vàng giả.
Wuhan Kingold Jewelry (gọi tắt là Kingold) vay số tiền 20 tỉ nhân dân tệ nói trên trong thời hạn năm năm từ 12 tổ chức tài chính, phần lớn là các công ty tín thác. Các khoản vay được mua các hợp đồng bảo hiểm từ Công ty bảo hiểm PICC P&C và một số công ty bảo hiểm nhỏ khác.
Vàng thế chấp là... đồng mạ vàng
Vụ bê bối sử dụng vàng giả để vay tiền này được phát hiện hồi tháng 2 khi Công ty tín thác Dongguan Trust chuẩn bị bán vàng thế chấp của Kingold để thu hồi các khoản nợ quá hạn. Dongguan Trust cho biết kết quả kiểm tra cho thấy những thỏi vàng lấp lánh của Kingold thực chất là những thỏi đồng mạ vàng.
Thông tin lập tức gây chấn động cho các chủ nợ còn lại của Kingold. Công ty tín thác China Minsheng Trust, một trong những chủ nợ lớn nhất của Kingold, đã xin lệnh của tòa để kiểm tra vàng thế chấp của Kingold.
Ngày 22-5, China Minsheng Trust nhận được kết quả phân tích kết luận số vàng thỏi niêm phong trong kho của công ty này cũng là những thỏi hợp kim đồng mạ vàng. Sau đó, hai chủ nợ khác của Kingold cũng đã kiểm tra vàng thế chấp của công ty này và cũng phát hiện đây là vàng giả.
China Minsheng Trust đã chất vấn Jia Zhihong, Chủ tịch Kingold, rằng có phải công ty ông ta thế chấp bằng vàng giả hay không. “Ông ta thẳng thừng bác bỏ và giải thích là một số thỏi vàng mang thế chấp có thể có hàm lượng vàng thấp”, một lãnh đạo của China Minsheng Trust, nói.
Đầu tháng 6 này, China Mingsheng Trust, Dongguan Trust và Chang'An Trust, ba chủ nợ của Kingold, đã nộp đơn kiện Kinggold đồng thời yêu cầu Công ty bảo hiểm PICC P&C chi trả cho thiệt hại của họ.
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã thành một tổ chuyên trách để giám sát xử lý vụ việc, trong khi đó, Sở Công an ở tỉnh này đã mở cuộc điều tra. Sở giao dịch Vàng Thượng Hải đã loại bỏ tư cách thành viên của Kingold vào ngày 24-6.
Dongguan Trust đang yêu cầu chi nhánh của PICC P&C ở Hồ Bắc bồi thường thường 1,3 tỉ nhân dân tệ. Kingold đã trễ hạn thanh toán khoản nợ 1,8 tỉ nhân dân tệ cho Dongguan Trust.
Được thành lập vào năm 2002, Kingold vốn trước đây là một nhà máy tinh chế vàng ở Hồ Bắc thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhưng sau đó, được tách ra trong một đợt tái cấu trúc.
Kingold là một trong những nhà sản xuất vàng nữ trang lớn nhất Trung Quốc. Cổ phiếu công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq vào năm 2010 và hiện nay đang giao dịch xung quanh mức 1 đô la Mỹ/cổ phiếu. Báo cáo tài chính của Kingold cho thấy tính đến cuối tháng 9-2019, công ty này có tổng tài sản trị giá 3,3 tỉ đô la Mỹ và các khoản nợ 2,4 tỉ đô la Mỹ.
Ông Jia Zhihong, 59 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc và từng quản lý các mỏ vàng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Một nguồn tin trong ngành tài chính Trung Quốc nhận xét: “Jia Zhihong là một nhân vật ăn to nói lớn, dễ ây ấn tượng. Ông ấy rất tự tin, táo bạo và hùng biện, luôn khiến bạn cảm thấy ông ấy hiểu biết nhiều hơn bạn”.
Zhihong có mối quan hệ rộng rãi với giới quan chức ở Hồ Bắc. Song một nguồn tin khác cho biết công việc kinh doanh của công ty ông không tốt đẹp như bề ngoài.
Nguồn tin này nói: “Từ nhiều năm qua, chúng tôi biết ông ấy không có nhiều vàng. Tất cả những gì ông ấy có là những thỏi đồng”.
Vay nợ để thâu tóm doanh nghiệp có quỹ đất khổng lồ
Phần lớn các chủ nợ của Kingold đều là các tổ chức tài chính bên ngoài tỉnh này. China Mingsheng Trust là chủ nợ lớn nhất của Kingold với khoản nợ 4,1 nhân dân tệ chưa thanh toán. Tiếp theo là Ngân hàng Hengfeng (3,9 tỉ nhân tệ), Dongquan Trust (3,4 tỉ nhân tệ), Anxin Trust & Investment Co. (1,9 tỉ nhân tệ) và Sichuan Trust Co. (1,8 tỉ nhân dân tệ).
Một số nguồn tin trong ngành tài chính cho biết các tổ chức tài chính sẵn sàng cho Kingold vay vì Jia Zhihong hứa sẽ giúp họ loại bỏ nợ xấu.
Ngân hàng Hengfeng là ngân hàng thương mại duy nhất cho Kingold vay. Kinggold đã trả 50% số nợ trên vào năm 2018. Một nhân viên của Hengfeng cho biết thỏa thuận vay nợ có nhiều điểm bất thường chẳng hạn quyền tiếp cận số vàng thế chấp và quy trình kiểm tra vàng được đặt dưới sự kiểm soát của Kingold.
Năm 2019, ban lãnh đạo mới của Hengfeng kiện Kingold đòi các khoản nợ quá hạn thanh toán và quyết định thanh lý số vàng thế chấp của công ty này. Nhưng kết quả kiểm tra một số thỏi vàng chế chấp cho thấy chúng là các thỏi đồng mạ vàng.
Vẫn chưa rõ số vàng thế chấp này bị làm giả ngay từ đầu hay bị tráo vàng giả sau khi thế chấp và chưa rõ có bao nhiêu vàng trong 83 tấn vàng thế chấp của Kingold cho các chủ nợ là giả.
Một nguồn tin của Minsheng Trust nói: “Tôi không hiểu có gì sai sót ở đây”. Nguồn tin này nói sổ sách ngân hàng cho thấy tủ sắt giữ hộ vàng thế chấp của Kingold chưa bao giờ được mở trước khi được lấy đem đi kiểm tra.
Kingold tăng vay nợ trong những năm gần đây để có tiền mặt thâu tóm hãng sản xuất linh kiện ô tô nhà nước Tri-Ring ở tỉnh Hồ Bắc. Mục tiêu thực sự mà Kingold nhắm đến trong thương vụ này là quỹ đất khổng lồ mà Tri-Ring đang nắm giữ, có thể chuyển đổi mục địch sử dụng để phát triển các dự án bất động sản.
Tài liệu do Dongguan Trurst nắm giữ cho thấy Tri-Ring sở hữu các lô đất ở Vũ Hán và Thâm Quyến trị giá gần 40 tỉ nhân dân tệ.Cuối năm 2018, Kingold hoàn tất thâu tóm Tri-Ring. Nhưng sau đó, công ty này vấp phải các khó khăn trong việc huy động các tài sản của Tri-Ring vì một loạt vụ điều tra tham nhũng nắm vào hãng sản xuất linh kiện ô tô này vào đầu năm 2019, khiến chủ tịch Tri-Ring phải từ chức.
Phần lớn tài sản Tri-Ring bị phong tỏa để phục vụ cuộc điều tra, khiến Jia Zhihong không thể tiếp cận tài sản của Tri-Ring. Tốn đến 7 tỉ nhân dân tệ để thâu tóm Tri-Ring nhưng vẫn chưa thể kiếm được lợi nhuận từ thương vụ này khiến Kingold lâm vào tình thế bí bách tài chính khi bị ngân hàng Hengfeng đòi nợ. Một loạt sự kiện nảy sinh sau đó làm lộ ra số vàng Kingold mang thế chấp cho các chủ nợ là vàng giả.
Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Sự tham gia của các công ty bảo hiểm là yếu tố then chốt giúp Kingold được các công ty tín thác chấp thuận cho vay tiền. Một chủ nợ của Kingold nói: “Nếu không có các hợp đồng bảo hiểm từ PICC P&C, chúng tôi sẽ không cung cấp các khoản vay cho Kingold vì vàng thế chấp chỉ được kiểm tra qua mẫu được chọn lựa ngẫu nhiên”.
Chi nhánh của PICC P&C ở Hồ Bắc cung cấp hợp đồng bảo hiểm cho hầu hết các khoản vay của Kingold. Các hợp đồng này sẽ hết hạn vào tháng 10 tới. Tính đến ngày 11-6, có 60 hợp đồng bảo hiểm nợ dành cho Kingold vẫn còn hiệu lực hoặc đang vướng vào các vụ kiện.
Tuy nhiên, người phát ngôn của PICC P&C nói rằng các hợp đồng bảo hiểm này chỉ chi trả bồi thường các thiệt hại ở tài sản thế chấp do tai nạn, thiên tai, trộm cướp.
Luật sư Wang Guangming ở Công ty luật Dacheng Law Offices, nhận định vấn đề mấu chốt là điều gì đã xảy ra với số vàng thế chấp của Kingold và bên nào biết đó là vàng giả. Theo ông, nếu Kingold cố tình làm vàng giả để mang đi thế chấp vay tiền nhưng bên bảo hiểm và bên cho vay không biết điều này thì bên bảo hiểm phải bồi thường cho bên cho vay và sau đó kiện Kingold về tội gian lận bảo hiểm. Nếu bên bảo hiểm biết là vàng giả nhưng bên cho vay không biết thì bên bảo hiểm cũng phải bồi thường.
Nếu Kingold và bên cho vay đều biết trước rằng vàng thế chấp là vàng giả, bên bảo hiểm có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và kiện các bên liên quan về tội gian lận.
Nhưng nếu tất cả các bên bao gồm bên bảo hiểm cấu kết để gian lận thì tất cả các hợp đồng bị vô hiệu và mỗi bên tự chịu trách nhiệm pháp lý của riêng họ.
Theo Caixin
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận