menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hai H Nguyen

BG#1: Hành trình huy động 50 triệu USD từ Dubai tới Nairobi (Kenya), và 8 bước tổng kết lại sau khi gọi vốn thất bại

Thời gian vừa qua, tôi có tham gia một chuyến đi gặp gỡ các nhà đầu tư ở Dubai tới Nairobi, để làm việc huy động vốn cho nhóm các công ty bất động sản (cả mảng Offline lẫn Online) mà tôi hỗ trợ. Hành trình rất nhiều điều thú vị và bài học chia sẻ với các bạn theo từng bước.

Bước 1: Tìm hiểu kỹ đối tác của bạn:

Người ở công ty kết nối đầu tư trong suốt 2 năm cũng bay qua gặp gỡ, trao đổi với công ty chúng tôi nhiều lần.

Chúng tôi cũng có lấy phản hồi từ một số người quen biết họ

Khi tất cả thấy phù hợp thì chúng tôi cũng quyết định là làm một chuyến gặp gỡ dài ngày (Investor Roadshow) các tổ chức tài chính lớn mà công ty đó giới thiệu

Dù chưa quá cần gọi vốn ngay, nhưng chúng tôi cũng muốn làm và học hỏi các kinh nghiệm gọi vốn nước ngoài từ sớm

Bước 2: Khi tham khảo, hãy hỏi người làm rồi (Done), không phải người nói (Talk)

Nơi chúng tôi đến là có thành phố Nairobi (Kenya), đọc trên báo mạng thì được cảnh báo là một trong những nơi nguy hiểm trên thế giới

Vì vậy, những người xung quanh ở Việt Nam đều khuyên là không nên đi, kèm theo các link báo mạng nguy hiểm đó gửi cho chúng tôi. Các luật sư, phiên dịch viên chúng tôi liên lạc họ cũng từ chối đi vì đọc báo mạng sợ nguy hiểm.

Tôi thì dùng Linkedin, kết nối với những người bạn quốc tế sinh sống ở Nairobi, trao đổi với họ thì thấy phản hồi nơi đây vẫn ổn và phù hợp để các doanh nhân tới làm ăn. Chính một trong số họ cũng mới bay từ Dubai qua Nairobi để làm 1 sự kiện lớn về Blockchain.

Cuối cùng, chúng tôi quyết định vẫn bay sang cả Nairobi. “Chúng tôi sẽ tới đó, và quay trở lại kể cho các bạn về Nairobi, từ trải nghiệm thực, chứ không phải trên lý thuyết” – Chúng tôi trả lời những người vẫn đang bàn lùi can ngăn.

Bước 3: Bắt đầu hành trình tới Dubai

Thủ tục xin Visa rất nhanh chóng. Chúng tôi bay hãng Emirates cũng phục vụ rất tốt. Từ HCM tới Dubai mất khoảng 4-5 tiếng.

Sân bay quốc tế Dubai rất lớn, xếp Top1 thế giới về độ nhộn nhịp của các chuyến bay tới. Thủ tục tự động check-in cũng rất nhanh chóng (chỉ 2 phút là qua luôn). Mỗi hành khách tới Dubai đều được phát 1 sim miễn phí (dung lượng 1GB) để truy cập mạng và gọi điện tại nơi đây.

Chạy từ sân bay vào trung tâm cũng gần, bạn có thể đặt Uber, hoặc xe đưa đón ở sân bay, giá cũng hợp lý, toàn xe xịn, nước hoa trong xe ngửi cũng rất thư giãn.

Bọn mình tới ở khách sạn JW Marriot ngay trung tâm Dubai, vì có nhiều lịch gặp với các đối tác ở đây. Tới khách sạn lúc 4 giờ sáng, làm thủ tục nhận phòng sớm, cả nhóm ngủ tới 10 giờ sáng để lấy sức.

Buổi chiều thì chúng tôi gặp gỡ trao đổi với bên công ty môi giới tại ngay khách sạn để chuẩn bị các thông tin cần thiết. Và bắt đầu gặp gỡ các đối tác.

Trong chuỗi Roadshow này, tôi chỉ chia sẻ với bạn đối tác chính mà chúng tôi có tỉ lệ thành công cao nhất lúc đó, là bên quỹ của hoàng tử Sudan.

Sau khi gặp người đại diện của quỹ này, thì chúng tôi sẽ đến bước bay sang Nairobi để gặp người đại diện của quỹ này, trao đổi các khâu cuối, cũng như làm các thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu số tiền.

Điều thú vị khi sang Dubai, là các quỹ cũng đặt văn phòng chính tại đây, nhưng tiền của họ, hay những người chủ số tiền thì lại ở các quốc gia À Rập khác quanh đó (giống với trường hợp Singapore ở khu vực Đông Nam Á).

Trước khi bay sang Nairobi để tiếp tục công việc. Chúng tôi đã có một buổi chiều đi thăm quan vài địa danh nổi tiếng ở Dubai là Bảo Tàng Tương Lai (Museum of Future), Dubai Shopping Mall. Thú vị nhất là lên tầng cao nhất, của toà thấp cao nhất thế giới Burj Khalifa để ngắm trọn toàn bộ Dubai. Và để cảm nhận rõ hơn về việc biến cát sa mạc thành vàng của những người nơi đây

Bước 4: Bắt đầu hành trình tới Nairobi (Kenya)

Để tới Nairobi, bạn cũng phải bay transit qua Dubai. Vì đang ở Dubai nên chúng tôi bay sang Nairobi khá nhanh, chỉ mất 4 tiếng.

Tới sân bay của Nairobi, ấn tượng đầu tiên là nó rất nhỏ, đơn sơ, kém xa tất cả các sân bay tôi từng tới (kém cả sân bay Bhutan, nơi cực kỳ ít người bay tới du lịch được vì ít chuyến bay, khi sân bay ở giữa các núi cao bao quanh, và rất hẹp)

Tiếp đó, thủ tục xét nghiệm Covid19 vẫn phức tạp. Phải tải ứng dụng của Kenya, nhập thông tin, ứng dụng lỗi lên xuống. Nhiều người (trong đó có 1 thành viên trong đội ngũ của chúng tôi) nhập nửa tiếng cũng không xong. Lúc checkin thì xếp hàng cũng lâu, dù ít người.

Đi ra khỏi phòng sân bay, thì xung quanh cũng nhiều người đeo súng giống B41, B43 trong trò chơi bắn súng Half-Life, nhìn thì có vẻ giống lực lượng bảo vệ. Để cho nhanh chóng, chúng tôi đặt nhanh một xe taxi chạy về khách sạn, dù bên đối tác bảo đang cử xe đến đón.

Ở Nairobi, mua SimCard không có ở sân bay. Mà đi vào trung tâm siêu thị cũng rất ít, nếu có bán thì yêu cầu phải có hộ chiếu, đưa hộ chiếu xong lại bảo phải đợi 1 – 2 tiếng nữa mới có người làm sim ở quầy tới phục vụ. Nên chúng tôi cũng không mua được sim, nên truy cập wifi, gọi điện cũng rất khó và bất tiện.

Theo lời khuyên của bên đối tác, chúng tôi thuê khách sạn Hilton Garden Inc, cạnh ngay sân bay. Vì ở đây đi tới đâu cũng sẽ tiện hơn, đỡ bị tắc đường, cũng như ở đó gần với lực lượng an ninh nhất nên sẽ an toàn nhất (lo lắng tập 1)

Khi tới khách sạn, có hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt ở cổng, bao quanh tường khách sạn là kẽm gai. Bảo vệ khách sạn đi tới chỗ chúng tôi làm thủ tục là cầm máy dò bom lướt hết trong xe. Sau đó cho chúng tôi vào khách sạn (lo lắng tập 2)

Tại đây, chúng tôi nghỉ ngơi buổi sáng. Và buổi chiều thì gặp công ty môi giới để trao đổi cách để hôm sau gặp gỡ và làm việc với bên quỹ này.

Bước 5: Đàm phán giai đoạn 1 – Nairobi

Chúng tôi gặp lại H, người đại diện tại Dubai của quỹ Hoàng Tử Sudan. Anh ý da nâu đen, tóc và râu quay nón xoăn tít, thân hình vạm vỡ, cao cỡ 1m8.

H đưa ra điều khoản là sẽ cho chúng tôi vay 25 triệu USD, thời hạn vay là 6 năm, 1 năm đầu không tính lãi, từ năm thứ 2 trở đi sẽ chia lợi nhuận 70 (chúng tôi)/ 30 (bên quỹ) nếu có lời. Cuối năm thứ 6, thì chúng tôi hoàn trả lại khoản 25 triệu USD, kèm thêm mức lãi suất 6% của tổng số tiền. Hoa hồng các bên môi giới mong muốn là 3 triệu USD.

Dĩ nhiên là chúng tôi không đồng ý với mức hoa hồng, vì còn nhiều loại phí ẩn dịch vụ đi kèm, mà theo khảo sát của chúng tôi từ những người đã làm, đôi khi còn tốn kém lên tới cả triệu USD.

Lưu ý ở đây, chúng tôi sẽ nhận toàn bộ bằng tiền mặt và vận chuyển về nước sở tại. Vì ở Nairobi, quỹ của thái tử Sudan, họ thích gửi tiền mặt vào các công ty bảo vệ đặc biệt, chứ không gửi ngân hàng. Do tình trạng tham nhũng, không đảm bảo ở đây cũng cao.

Sau vài ngày đàm phán, thì chúng tôi chốt lại là họ sẽ cho chúng tôi vay 50 triệu USD, thời hạn vay là 12 năm, 2 năm đầu không tính lãi, từ năm thứ 3 trở đi sẽ chia lợi nhuận 70 (chúng tôi)/ 30 (bên quỹ) nếu có lời. Cuối năm thứ 12, thì chúng tôi sẽ hoàn trả lại khoản tiền 50 triệu USD, kèm thêm mức lãi suất 6% của tổng số tiền. Số tiền hoa hồng các bên môi giới sẽ được nhận là 4 triệu USD (và họ phải lo hết các chi phí phát sinh: Thủ tục lập tài khoản ngân hàng nước ngoài, Kho bãi đựng tiền, phí máy bay vận chuyển, phí làm việc với nhà nước sở tại để chuyển tiền hợp pháp …). (*)

Bước 6: Đàm phán giai đoạn 2 – Nairobi

Kế tiếp, chúng tôi sẽ phải làm thủ tục kiểm tra về thân thế xem có đúng là chính chủ và có các tiền sử hành vi tiêu cực nào không. Bên công ty môi giới đưa chúng tôi tới trụ sở một công ty an ninh, để người trưởng an ninh trao đổi về các điều khoản bảo mật, cũng như lấy hộ chiếu của chúng tôi để xác nhận.

Trước khi đi, một người từng làm cảnh báo là chúng tôi không được phép đưa hộ chiếu cho bất cứ ai ở đây. Vì nếu không may bị giữ hộ chiếu lại, sẽ không thể bay về được. Nên chúng tôi chỉ gửi hình chụp ảnh hộ chiếu cho họ.

Chúng tôi nhận được thông báo là thủ tục kiểm tra cá nhân đã hoàn tất. Công ty an ninh tiến hành cho chúng tôi trong buổi tối hôm đó sẽ gặp người được uỷ quyền quản lý số tiền. Đi gặp đối tác thông thường toàn ban ngày, mà giờ toàn đi gặp buổi tối, nên chúng tôi cũng cảm thấy hoang mang – (lo lắng tập 3)

Trước khi đi, chúng tôi để một người ở tại khách sạn. Dặn rằng nếu đến sáng mai bọn tôi không về, cũng không liên lạc được thì phải gọi điện báo cảnh sát ngay.

Trong chuyến đi buổi chiều tối hôm đó, xe của công ty an ninh chở chúng tôi tới một khu rừng đồi núi, sau đó vào trong một khu rất nhiều nhà biệt thự lớn, an ninh nghiêm ngặt. Tới nơi, xung quanh có khoảng 10 người mặc đồ an ninh, đeo súng xếp hàng ở cổng đợi chúng tôi đi vào.

Thì ra ngoài việc gặp người quản lý số tiền đó là Mr Y, thì bên công ty an ninh cũng đem theo số tiền 50 triệu USD để giải ngân, được chất đầy trong 2 thùng cao ngang ngực tôi (nhìn giống hệt mấy thùng đựng tiền trong mấy phim cướp ngân hàng).

Sau khi nói chuyện với Mr Y, anh ý giải thích vì họ có đem theo tiền để đưa chúng tôi xem cho tin tưởng, nên thường gặp buổi tối để đảm bảo cho việc vận chuyển. Anh Y cũng là người đang quản lý tiền cho quỹ của hoàng tử Sudan. Hoàng tử Sudan vẫn còn rất bé, chưa đủ tuổi để sử dụng, nên anh Y sẽ phân bổ số vốn này cho các dự án ở các khu vực tiềm năng. Đông Nam Á và Việt Nam là nơi mà họ đang tập trung giải ngân giai đoạn này.

Khoảng 20 phút sau, anh Y dẫn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ kín, để làm thủ tục mở 2 thùng tiền, cho chúng tôi xem, xờ, lật đủ thử. Lúc đó anh ý rút luôn 10 tờ 100 USD đưa cho chúng tôi bảo là tặng các bạn, mà chúng tôi không nhận, vì chẳng may cầm tờ tiền đi ra ngoài phòng lại bị công ty an ninh kia soát người thấy tờ tiền nào thì rắc rối to. Hai thùng tiền này sau khi chúng tôi xem xong, sẽ được niêm phong lại và chuyển đi, ngay cả Mr Y cũng không thể yêu cầu mở lại xem riêng lần nào được nữa.

Tới lúc đi khỏi căn biệt thự đầy lính an ninh, tới một nhà hàng lịch sự gần đó ăn tối với Mr Y, H người phụ trách công ty an ninh và công ty môi giới. Chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm là mình không bị bắt cóc nữa. Gần khuya hôm đó chúng tôi mới về khách sạn, người ở tại khách sạn cũng rất lo cho chúng tôi, khi gọi điện nhắn tin cho chúng tôi không được (nên tới nước nào, các bạn cũng có sim điện thoại, wifi để dễ liên lạc cho yên tâm nhé).

Ngày hôm sau, công ty môi giới và an ninh giúp chúng tôi làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu 2 chiếc thùng đó từ Mr Y sang tên pháp nhân công ty của chúng tôi. Như vậy, chỉ cần chuyển 2 chiếc thùng này ra khỏi Nairobi là chúng tôi sẽ là người sở hữu 2 chiếc thùng này.

Ngay khi xong việc chính, chúng tôi chuyển lịch để về Việt Nam luôn vì cũng không muốn ở lại Nairobi lâu thêm. Kế hoạch tranh thủ đi ngắm đàn sếu đầu đỏ ở Kenya của chúng tôi cũng huỷ bỏ, vì chúng tôi cũng khá kiệt sức trong suốt gần một tuần làm việc, đàm phán ở đây. Một chuyến hành trình liên tục transit giữa Nairobi – Dubai – Hà Nội – Hồ Chí Minh kéo dài trong hơn 1 ngày. Lúc về tới nhà thì tôi cũng sập nguồn và ngủ một giấc sâu thật sâu luôn.

Bước 7: Đàm phán giai đoạn 3 – Việt Nam

Trong tuần sau đó, bên công ty môi giới gửi cho chúng tôi biên bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác giữa các bên. Mỗi bên đều đưa các luật sư của nhau chỉnh sửa, thoả thuận kéo dài thêm cũng gần 2 tuần.

Trong 2 tuần đó, chúng tôi cũng phải làm việc trao đổi trước với các cơ quan nhà nước về việc sẽ có một số tiền lớn chuyển về các pháp nhân công ty tại Việt Nam. Và trong lúc này, chúng tôi cũng học được rất nhiều cách để thiết lập các pháp nhân nước ngoài mà mình sở hữu để có thể nhận được số vốn này chuyển vào

Đến tuần thứ 4, phía công ty môi giới báo rằng chúng tôi cần bay sang Dubai để ký các giấy tờ thành lập tài khoản ngân hàng tại Dubai. Để sau này số vốn sẽ được chuyển tới tài khoản tại đây. Ngoài ra, thì cũng gặp bên công ty môi giới để trao đổi thêm một số thay đổi.

Dù đang rất bận rộn ở Việt Nam, chúng tôi vẫn lên lịch để bay sang đó sau một tuần.

Bước 8: Đàm phán giai đoạn 3 – Dubai

Lần này sang thì chúng tôi được một bên pháp lý giúp soạn hết các thủ tục để lập tài khoản ngân hàng tại Dubai, cũng rất nhanh chóng.

Tuy nhiên, rắc rối kế tiếp là ở bên công ty môi giới, giờ họ lại yêu cầu chúng tôi thanh toán các chi phí sắp tới sẽ phát sinh. Trong khi trước đây họ hứa là sẽ lo các chi phí đó cho chúng tôi để nhận hoa hồng được cao hơn (xem kỹ ở mục (*). Chúng tôi tin rằng công ty môi giới này trước đồng ý vì tin rằng các chi phí bỏ ra trước sẽ không nhiều, nhưng giờ nó bị vượt lên nên họ bắt đầu đàm phán lại.

Sau một ngày đàm phán vẫn chưa đi đến kết quả. Thì nhóm chúng tôi đã ngồi riêng lại trao đổi các trường hợp.

Một là nếu không gọi được khoản vay từ bên này, chúng tôi vẫn có thể huy động các nguồn vốn trong nước với các điều khoản chung tốt như vậy. Mục đích đi gặp gỡ huy động vốn lần này để chúng tôi học xem cách làm việc gọi số vốn lớn xuyên quốc gia ra sao.

Hai là bên công ty môi giới, đàm phán thay đổi lại các điều khoản, dù đã ký MOU, thì đây là hành động không uy tín trong kinh doanh quốc tế. Nếu chúng tôi nhượng bộ, thì không biết họ sẽ tiếp tục đòi hỏi thêm những chi phí gì trong suốt quá trình nhận số vốn đó.

Suy nghĩ tới đây, chúng tôi cũng quyết định báo họ rút khỏi thương vụ này (cắt lỗ ở mức tối thiểu nhất). Cái mất của chúng tôi là chi phí tự bỏ ra để sang Dubai, để sang Nairobi.

Cái được thì là i) Có những trải nghiệm gọi vốn rất đáng nhớ mà ít người có được ii) Biết được các cách làm việc để gọi vốn xuyên quốc gia hợp pháp ra sao iii) Sang những châu lục mới khác để tạo dựng được thêm nhiều mối quan hệ làm ăn với bạn bè nơi đây.

Những trải nghiệm gọi vốn bạn đã từng trải qua ra sao, hãy chia sẻ với tôi nhé?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Hai H Nguyen

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

2 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại