menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoài Thơ

Beton 6 (BT6): Càng vùng vẫy càng lún sâu

5 năm sau ngày hủy niêm yết để tái cấu trúc doanh nghiệp, Công ty cổ phần Beton 6 (mã BT6) càng lúc càng ngập trong vũng lầy khó khăn.

Hội đồng quản trị chỉ còn… 3 ghế!

Công ty cổ phần Beton 6 (mã BT6) đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, đến ngày 4/2. Tài liệu xin ý kiến ban đầu có nội dung xoá một số khoản nợ khó đòi trên sổ kế toán lên tới 482 tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý có khoản phải thu với Công ty TNHH một thành viên 3D - Long Hậu gần 64,8 tỷ đồng. Công ty này bị ngân hàng phát mãi tài sản, không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Khoản thứ hai công nợ tồn lâu hơn giá trị 30 tỷ đồng tại Khu tái định cư Trương Đình Hội 2 - do Công ty này khó khăn tài chính.

Khoản thứ ba tại Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng và xi măng HB có giá trị 55 tỷ đồng, cũng là công nợ tồn lâu, không có đối chiếu công nợ, doanh nghiệp đã chuyển đi nơi khác và không tìm được địa chỉ.

Khoản thứ tư là ông Trần Nguyên Vũ vay 33 tỷ đồng, nhưng không có khả năng trả nợ, Công ty nhiều lần liên hệ đòi nhưng không được…

Tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản của Beton 6 ban đầu có nội dung xoá một số khoản nợ khó đòi trên sổ kế toán lên tới 482 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp thông báo điều chỉnh tài liệu xin ý kiến cổ đông, không còn nội dung xoá nợ 482 tỷ đồng. Doanh nghiệp chỉ lấy ý kiến về hai nội dung: Thay đổi số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 5 người xuống còn 3 người và bầu, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị.

Dẫu nội dung xin ý kiến cổ đông được thay đổi, song diễn biến này vẫn cho thấy, tình hình tài chính của Beton 6 đang rất xấu khi số nợ không có khả năng thu hồi chiếm trên 50% tổng tài sản (890,6 tỷ đồng) của Công ty.

Trở lại với nội dung đang được Beton 6 xin ý kiến cổ đông, doanh nghiệp dự kiến miễn nhiệm ba thành viên Hội đồng quản trị, gồm ông Phạm Văn Hiên (Chủ tịch Hội đồng quản trị) và hai thành viên đương nhiệm là ông Nguyễn Ngọc Dũng và ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Hai nhân sự được đề nghị bổ sung là ông Lê Nguyễn Phương vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị; ông Trịnh Thanh Huy, trước đây là thành viên Hội đồng quản trị sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Như vậy, nếu được cổ đông thông qua, Hội đồng quản trị Công ty sẽ gồm 3 người: ông Phương và ông Nguyễn Quang Minh làm thành viên; ông Huy chính thức giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Với việc Hội đồng quản trị chỉ còn ba ghế, các quyết sách của Công ty tới đây sẽ có xu hướng đi theo ý chí của Chủ tịch, bởi chỉ cần thêm một phiếu bầu là đạt tỷ lệ quá bán để thông qua.

Được biết, ông Huy tham gia Hội đồng quản trị của Beton 6 từ năm 2009 tới nay. Sau nhiều lần biến động lãnh đạo cấp cao, ông là người duy nhất vẫn còn tại nhiệm.

Ông Huy là nhà sáng lập và từng là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Bình Thiên An đến cuối năm 2016. Công ty này là chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương, quy mô 8 ha tại quận 2, TP.HCM. Bên cạnh đó, ông Huy thành lập nên HB Group vào năm 2000 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng và bất động sản.

Mặc dù vậy, từ khi ông Huy tham gia vào Beton 6, doanh nghiệp liên tục kinh doanh đi xuống, từ mức lãi lên tới 102 tỷ đồng năm 2010, tới năm 2018 lỗ tới 323 tỷ đồng. Tính tới 31/12/2019, vốn chủ sở hữu đang âm 22,7 tỷ đồng và lỗ luỹ kế lên tới 424,6 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ vay ngắn hạn là 349,9 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 1,7 tỷ đồng.

Beton 6 (BT6): Càng vùng vẫy càng lún sâu
Kết quả kinh doanh BT6 từ 2010-2019.

Không chỉ riêng mình Beton 6 gặp tình trạng này, năm 2010, ông Huy góp vốn vào Descon, tới ngày 31/10/2018, Toà án Nhân dân TP.HCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Descon, căn cứ theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Siam City Cement.

Chưa thấy lối thoát

Trước đó, trong tháng 8/2020, Beton 6 tổ chức Đại hội đồng thường niên năm 2020 thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu 70 tỷ đồng, tiếp tục tái cấu trúc công ty, tái cấu trúc các khoản nợ phải trả hiện có, tái cấu trúc các hệ thống và quy trình hiện tại, để nâng cao hiệu quả của các hoạt động, tiết kiệm chi phí vận hành, hoàn thành việc cơ cấu lại tất cả các khoản nợ.

Tuy nhiên, chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp tại Đại hội, Beton 6 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn: Một số dự án lớn mà doanh nghiệp đã ký trước đó bị trì hoãn hoặc có khả năng bị huỷ bỏ. Số lượng đơn hàng xây dựng giảm, thiếu hụt nguồn vốn trầm trọng.

Công ty đang chịu áp lực đòi nợ từ các chủ nợ lớn, nhỏ và đa phần đều nộp đơn yêu cầu đến toà án, cơ quan thi hành án yêu cầu Beton 6 phải thanh toán các khoản nợ cũ. Việc mua hàng hoá đều phải thanh toán trước 100%.

Vốn chủ sở hữu âm và Beton 6 đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Ban lãnh đạo đã có quyết định nộp đơn yêu cầu phá sản đến tòa án, hiện toà đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty…

Beton 6 từng là một doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường. Giai đoạn 2014 - 2015, doanh nghiệp đã quyết định huỷ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ ngày 27/11/2015 để “tập trung cơ cấu lại doanh thu, nâng cao hiệu quả kinh doanh và giúp doanh nghiệp sớm quay lại đà tăng trưởng”.

Tuy nhiên, kể từ khi rời sàn chứng khoán để thực hiện tái cấu trúc hoạt động, tình hình kinh doanh của Công ty có dấu hiệu lao dốc mạnh hơn. Nếu như năm 2015, lợi nhuận của Công ty đạt gần 26 tỷ đồng, năm 2016 giảm xuống còn 8,7 tỷ đồng thì đến năm 2017 báo lỗ 139,3 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 322,9 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 82,1 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính 2019 của Công ty do chưa thu thập được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp liên quan tới 185,2 tỷ đồng phải thu khách hàng; 69,7 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn; 55,7 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn; 33,1 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn.

Bên cạnh đó, kiểm toán còn lưu ý khả năng thu hồi các khoản công nợ phải thu quá hạn thanh toán và các khoản ứng trước cho nhà cung cấp lần lượt là 192,6 tỷ đồng và 68,3 tỷ đồng.

Đỉnh điểm, ngày 9/12/2019, Công ty đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương do mất khả năng thanh toán và không có khả năng để thanh toán những khoản nợ đến hạn cho các chủ nợ là các tổ chức tín dụng và nhà cung cấp, đối tác. Ngày 16/1/2020, Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã có quyết định về việc mở thủ tục phá sản đối với Beton 6 theo yêu cầu từ phía Công ty.

Với tình hình hoạt động ngập trong khó khăn hiện tại, nhân tố mới trong cơ cấu cổ đông, nhân sự đứng đầu lại chưa xuất hiện, tương lai thoát vũng lầy của Beton 6 thật mịt mờ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

3.40

(0.00%)

Biểu đồ mã BT6
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại