BĐS tuần qua: Đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt sắp 'về đích', thiếu nhà ở xã hội, giá nhà tăng
HoREA đề xuất giải pháp cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án.
Bộ Xây dựng: Giá vật liệu xây dựng tác động đến giá nhà ở
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý I, giá thép xây dựng ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh theo xu thế tăng chung của thị trường thép trên thế giới. Việc tăng giá vật liệu xây dựng dự báo sẽ gây tác động khiến giá nhà ở, công trình xây dựng tăng. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý I, giá thép xây dựng ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh theo xu thế tăng chung của thị trường thép trên thế giới. Việc tăng giá vật liệu xây dựng dự báo sẽ gây tác động khiến giá nhà ở, công trình xây dựng tăng.
Bộ Xây dựng đã khảo sát, thu thập dữ liệu biến động giá bán một số loại bất động sản trong tháng 3 và quý I tại 8 địa phương (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu). Cơ quan này cho biết, một số loại hình bất động sản tại các địa phương này trong tháng 3 tăng giá khá cao so với tháng trước. Đơn cử, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư (tăng 1,53%), nhà ở riêng lẻ (+2,24%), đất nền cho xây dựng nhà ở (+2,85%). Tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà riêng lẻ và đất nền cũng đắt hơn lần lượt 2% và 3,6%.
Bộ Xây dựng trong tuần qua cũng nhận được đề nghị của cử tri TP Hà Nội về việc chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) phối hợp giải quyết triệt để những tồn tại của các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai, do đơn vị này làm chủ đầu tư. Đại diện Bộ Xây dựng cho biết HUD là công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu nhà nước. Những năm qua, HUD đã tham gia tích cực trong phát triển nhà, khu đô thị với nhiều dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội trên khắp cả nước. Tuy nhiên, phía Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận trong quá trình đầu tư, một số dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai còn một số tồn tại như cử tri phản ánh.
Thiếu nhà ở xã hội
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa kiến nghị Chính phủ hàng loạt giải pháp khơi thông nguồn cung nhà ở, trong đó tập trung vào 6 gói giải pháp gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, phân khúc có nhu cầu lớn nhất nhưng thiếu hụt sản phẩm nhất hiện nay.
Theo báo cáo, HoREA nhận định thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội, hai loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết thị trường đang trong tình trạng vừa bị mất cân bằng "cung-cầu" vừa bị mất cân đối "lệch pha" về phân khúc nhà ở cao cấp. Điều này thể hiện rõ trong hai năm gần đây, nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong tổng nguồn cung sản phẩm mới trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021. Trong khi đó, nhà ở cao cấp chiếm 74% tổng nguồn cung mới.
Nhiều doanh nghiệp cho biết gặp vướng mắc trong cơ chế pháp lý dự án nhà ở xã hội, thiếu nguồn vốn ưu đãi trong khi lợi nhuận không cao. Đại diện một doanh nghiệp xây dựng cho biết các doanh nghiệp không nhìn thấy lợi nhuận cao từ việc thực hiện dự án nhà ở xã hội nên họ ít tham gia, chưa kể quy trình, thủ tục còn vướng mắc ở rất nhiều khâu.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) xác nhận, hai năm 2020-2021, thị trường bất động sản chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh, số dự án sụt giảm mạnh, giá nhà đất lại tăng cao. Năm 2021, nguồn cung dự án và căn hộ giảm 34% so với năm 2020, trong khi năm 2020, số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Trong hai năm, gần như không có dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp nào được cấp phép mới – dù đây là một trong những phân khúc có nhu cầu cao, cung ít cầu nhiều. Trong khi nguồn cung suy giảm, giá nhà đất tăng mạnh và tiếp tục leo thang những tháng đầu năm 2022.
Tập trung triển khai các dự án giao thông ở TP HCM
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP HCM, thành phố sẽ có 3 tuyến đường vành đai, 5 tuyến đường cao tốc. Trong các tuyến đường vành đai, vành đai 2 tới đây sẽ được khép kín, vành đai 3 kết nối TP HCM với Bình Dương, Đồng Nai, vành đai 4 kết nối TP HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương...
Cùng với hoàn thành công trình cầu Thủ Thiêm 2 và dự án cải tạo kênh Nước Đen trước 30/4, thành phố sẽ khởi công ba dự án cửa ngõ vào quý III năm nay. Các dự án cửa ngõ được khởi công gồm nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức); mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nối với nhà ga T3 (quận Tân Bình).
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng đề nghị bổ sung các tuyến metro, đường sắt chuyên dụng kết nối cảng, sân bay vào quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố. Đề xuất vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM gửi Sở Quy hoạch và Kiến trúc nhằm phù hợp sự biến động dân số, nhu cầu đi lại và định hướng kết nối TP HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Tuyến song hành với đại lộ Võ Văn Kiệt đang hoàn tất các hạng mục cuối, dự kiến khai thác vào cuối tháng 4. Sau gần một năm thi công, dự án cơ bản đã hoàn thành các hạng mục như trải nhựa đường, hệ thống chiếu sáng... các hạng mục như ốp lát gạch vỉa hè, lắp lan can dọc bên bờ kênh đang được hoàn thiện.
Loạt dự án công nghiệp được phê duyệt
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký công văn chấp thuận cho UBND tỉnh Thái Bình chuyển mục đích sử dụng 21,9 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp (CCN) Đông Hải theo như ý kiến thẩm định và nội dung trình của Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Bên cạnh đoa, Phó Thủ tướng cũng ký công văn chấp thuận cho UBND TP Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 39,51 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án cụm công nghiệp (CCN) Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1.
Ngày 19/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Long An. Các dự án được phê duyệt gồm dự án hạ tầng KCN Tandoland và dự án hạ tầng KCN Lộc Giang.
UBND tỉnh Hưng Yên duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp (CCN) Đồng Than, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ. Phạm vi lập quy hoạch chi tiết được thực hiện trên khu đất diện tích 75 ha thuộc địa bàn xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ.
Một số tin tức đáng chú ý khác
Sau hai năm chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19, các đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản như CBRE, Savills, DKRA đều nhận định sự ngành bất động sản phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng đang dần trở lại "đường đua" và ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ vào sự hồi phục của du lịch, mở cửa quốc tế.
Trong tuần qua, UBND huyện Di Linh, Lâm Đồng có công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đánh giá, xem xét về việc Sun Group và TNG Holdings Việt Nam đề xuất nghiên cứu, khảo sát tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư hai dự án thuộc huyện này.
UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2022, định hướng năm 2025 (đợt 1). Trong danh mục gồm có 175 dự án, với tổng diện tích khoảng 7.644 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 25,3 tỷ USD (tương đương hơn 58.000 tỷ đồng).
Tại buổi góp ý dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai ngày 20/4, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đất đai cho biết, quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) cho các công trình bất động sản nghỉ dưỡng đã được bổ sung. Theo đó, Điều 32a quy định, các chủ sở hữu khách sạn, condotel, officetel, công trình khác phục vụ mục đích lưu trú, du lịch... được cấp sổ đỏ phải đáp ứng đủ điều kiện của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản.
Hà Nội sẽ tạm dừng việc bán 600 căn biệt thự cũ xây trước năm 1954 từ ngày 19/4 để rà soát lại. “Sau khi rà soát, thành phố sẽ có báo cáo tổng thể và thông tin lại”, ông Trương Việt Dũng, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết chiều 19/4. Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Mạc Bình Minh, Hà Nội đang quản lý 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau và 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Tỉnh ủy Long An vừa xem xét, thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Về định hướng tổ chức không gian và phân vùng chức năng, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An chỉ đạo tiếp tục giữ định hướng phân thành 3 vùng quy hoạch, trên cơ sở đó, phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng vùng, theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu phát triển. Ba vùng quy hoạch là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biên mậu và du lịch sinh thái (các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười); vùng đệm phát triển (huyện Đức Huệ và Thủ Thừa) và vùng phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại - dịch vụ (các huyện còn lại và thành phố Tân An).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận